Sắp xếp xong công việc nhà, tranh thủ thời gian rảnh rỗi cuối ngày, bà Trần Thị Minh (tổ dân phố 7, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) theo dõi thông tin lấy ý kiến góp ý liên quan tới sửa đổi Hiến pháp. “Theo tôi được biết, việc sửa đổi lần này nhằm phục vụ quá trình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, liên quan tới ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, không chỉ riêng tôi mà mọi thành viên trong gia đình đều rất quan tâm” - bà Minh cho hay.

Cũng theo bà Minh, bà đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 quy định về đơn vị hành chính (ĐVHC). Theo đó, các ĐVHC gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ĐVHC - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Bà Minh hy vọng, quy định này sẽ tạo điều kiện để tiếp tục cụ thể hóa mô hình ĐVHC và chính quyền địa phương 2 cấp tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Dự thảo nghị quyết lần này sửa đổi, bổ sung 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan tới quy định về: Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Công đoàn Việt Nam; quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức ĐVHC; một số quy định khác về chính quyền địa phương… Điểm khác biệt là ngoài các hình thức truyền thống, việc lấy ý kiến đã áp dụng nền tảng số thông qua ứng dụng VNeID. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng; giúp cơ quan Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật và hỗ trợ cơ quan quản lý rút ngắn thời gian lấy, tổng hợp ý kiến.

Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Bình - Đội trưởng Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp và quản lý căn cước (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh), thì người dân thực hiện đăng nhập ứng dụng VNeID hoặc website https://vneid.gov.vn bằng tài khoản định danh điện tử mức 2, rồi truy cập vào “Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID” để chọn đọc Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013, sau đó thực hiện nhập nội dung góp ý và gửi thông tin. Theo đánh giá từ nhiều người dân, quá trình đóng góp ý kiến trên VNeID diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, quy trình đơn giản, dễ tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, những ngày vừa qua, các hội viên Hội LHPN huyện Hương Sơn đã tích cực thảo luận, góp ý đối với quy định của dự thảo. Chị Uông Thị Kim Yến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Sơn bày tỏ: “Ngay sau khi có kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về việc lấy ý kiến, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền, định hướng cho hội viên để tạo sự thống nhất cao. Đồng thời, thực hiện với hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tế ở cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý”.

Công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan đến sửa đổi Hiến pháp được các cấp hội LHPN tích cực triển khai.
Ngày 6/5/2025, UBND tỉnh đã có văn bản tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung; chủ động xây dựng phương án tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân đối với dự thảo nghị quyết bằng các hình thức phù hợp. Quá trình lấy ý kiến cần đảm bảo phát huy tính dân chủ, khách quan, minh bạch, chất lượng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến, các đơn vị, địa phương tiến hành soát xét, tổng hợp và gửi kết quả thực hiện về Sở Tư pháp và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 22/5/2025. Trong đó, Sở Tư pháp chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/5/2025.

Người dân TX Hồng Lĩnh nghiên cứu các nội dung của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Việc hướng dẫn lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ được tiến hành theo đúng quy định, đảm bảo thông tin rõ ràng, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để quá trình lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực mọi tầng lớp nhân dân”.