Hơn 2 tỷ người sống trong mức nóng nguy hiểm năm 2100

Nghiên cứu mới cho thấy, nhiệt độ bề mặt Trái Đất đang trên đà tăng 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100, đẩy hơn 2 tỷ người (khoảng 22% dân số toàn cầu) ra khỏi vùng khí hậu dễ chịu.

Hơn 2 tỷ người sống trong mức nóng nguy hiểm năm 2100

Hàng tỷ người có thể tiếp xúc với nắng nóng nguy hiểm cuối thế kỷ này. Ảnh: Los Angeles Times/TNS

Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Sustainability. Theo nghiên cứu, các nước có nhiều người nhất phải đối mặt với nắng nóng nguy hiểm là Ấn Độ (600 triệu), Nigeria (300 triệu), Indonesia (100 triệu), Philippines và Pakistan (mỗi nước 80 triệu), AFP hôm 22/5 đưa tin.

Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 sẽ giúp giảm số người gặp nguy hiểm xuống dưới nửa tỷ, chỉ chiếm khoảng 5% dân số thế giới dự kiến trong 6 hoặc 7 thập kỷ tới - 9,5 tỷ người.

Đến nay, mức nóng lên dưới 1,2 độ C cũng đã làm gia tăng cường độ hoặc thời gian của các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng. 8 năm qua là những năm nóng nhất từng ghi nhận.

“Cứ mỗi 0,1 độ C tăng so với mức hiện tại, sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiếp xúc với nắng nóng nguy hiểm”, Tim Lenton, giám đốc Viện Hệ thống Toàn cầu tại Đại học Exeter, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết.

Ngưỡng nắng nóng nguy hiểm theo nghiên cứu mới là khi nhiệt độ trung bình hàng năm (MAT) đạt 29 độ C. Xuyên suốt lịch sử, các cộng đồng người phân bố dày đặc nhất xung quanh hai ngưỡng MAT là 13 độ C (khu vực ôn đới) và 27 độ C (khu vực nhiệt đới).

Sự ấm lên toàn cầu đang đẩy nhiệt độ tăng cao khắp nơi, nhưng nguy cơ đạt đến mức nhiệt chết chóc cao hơn ở những khu vực vốn đã gần với ngưỡng 29 độ C. Nghiên cứu chỉ ra, nhiệt độ cao kéo dài bằng hoặc trên ngưỡng đó liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ tử vong cao hơn, năng suất lao động và sản lượng nông nghiệp giảm, các xung đột và bệnh truyền nhiễm tăng.

40 năm trước, chỉ 12 triệu người trên thế giới phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt như vậy. Nghiên cứu cho thấy, con số đó ngày nay đã tăng gấp 5 lần và sẽ tăng mạnh hơn trong những thập kỷ tới.

Rủi ro tập trung ở các khu vực xung quanh đường xích đạo, nơi dân số đang gia tăng nhanh nhất. Khí hậu nhiệt đới có thể trở nên nguy hiểm kể cả ở mức nhiệt thấp hơn vì độ ẩm cao ngăn cơ thể đổ mồ hôi để làm mát. Những người tiếp xúc nhiều nhất với nắng nóng khắc nghiệt chủ yếu sống ở các nước nghèo hơn với lượng phát thải carbon trên đầu người nhỏ nhất.

Theo Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ thải ra trung bình khoảng hai tấn CO2 mỗi người mỗi năm, Nigeria khoảng nửa tấn. Trong khi đó, con số này ở Liên minh châu Âu là gần 7 tấn và ở Mỹ là 15 tấn.

Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo, khả năng nhiệt độ bề mặt Trái Đất thậm chí tăng vượt mức 2,7 độ C cũng có thể xảy ra. Họ cho biết, nếu sự phát thải dẫn đến việc giải phóng các kho dự trữ carbon tự nhiên, ví dụ như tầng đất đóng băng vĩnh cửu, hoặc làm khí quyển ấm hơn dự đoán, thì nhiệt độ có thể tăng gần 4 độ C so với mức giữa thế kỷ 19.

Theo AFP/VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.
Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng

Các công tố viên Hàn Quốc đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong-hyun, trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc sau lệnh thiết quân luật vào tuần trước.