Hơn 2.000 người bị vùi lấp trong vụ lở đất ở Papua New Guinea

Giới chức Papua New Guinea ước tính trận lở đất cuối tuần qua vùi lấp hơn 2.000 người và gây thiệt hại hạ tầng nghiêm trọng.

"Trận lở đất phá hủy nhiều ngôi nhà, vườn cây ăn trái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyến cao tốc Porgera Mine là huyết mạch kinh tế đất nước", AFP ngày 27/5 dẫn báo cáo của cơ quan ứng phó thảm họa của Papua New Guinea gửi Liên Hợp Quốc về hậu quả trận lở đất cuối tuần trước.

Số liệu hơn 2.000 người bị chôn vùi cao gấp ba ước tính mà giới chức địa phương đưa ra trước đó. Họ ban đầu cho hay 60 căn nhà và khoảng 300 nạn nhân bị vùi lấp, nhưng sau đó tin rằng 150 căn nhà đã bị phá hủy, hơn 670 người mất tích.

Giới chức địa phương cho biết công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn do tình hình địa chất tại khu vực không ổn định, các vụ lở đất có nguy cơ tái diễn, đe dọa tính mạng của người sống sót sau thảm họa lẫn lực lượng cứu hộ.

Giới chức Papua New Guinea kêu gọi "hành động lập tức và hợp tác từ mọi lực lượng" để ứng phó thảm họa, trong đó có quân đội, lực lượng cứu hộ quốc gia và địa phương.

Papua New Guinea cũng đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ thông báo tình hình đến các đối tác hợp tác phát triển và bạn bè quốc tế. Mọi hỗ trợ quốc tế sẽ được điều phối thông qua trung tâm ứng phó thảm họa quốc gia.

Người dân địa phương đào bới đất đá tại làng Kaokalam, tỉnh Enga, vào ngày 26/5 tìm kiếm người sống sót sau thảm họa lở đất. Ảnh: IMO
Người dân địa phương đào bới đất đá tại làng Kaokalam, tỉnh Enga, vào ngày 26/5 tìm kiếm người sống sót sau thảm họa lở đất. Ảnh: IMO

Rạng sáng 24/5, đất đá sạt lở từ núi Enga bất ngờ ập xuống làng Kaokalam thuộc tỉnh Enga, cách thủ đô Port Moresby khoảng 600 km, trong lúc các gia đình đang say ngủ. Hơn 1.000 dân thường trong khu vực lân cận đã được sơ tán khỏi khu vực.

Serhan Aktoprak, trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ở Papua New Guinea, cho hay người dân địa phương đang phải dùng cuốc xẻng, tay không để đào tìm nạn nhân vì thiết bị hạng nặng chưa thể đến nơi do tuyến đường duy nhất tới khu vực bị vùi lấp. Khu vực thảm họa có nơi bị vùi lấp dưới hơn 8 m đất đá.

"Đã hơn ba ngày trôi qua từ khi thảm họa xảy ra, chúng tôi đang chạy đua với thời gian, nhưng cũng không rõ có đủ nguồn lực để cứu giúp mọi người hay không", ông nói.

Vị trí Papua New Guinea và tỉnh Enga. Đồ họa: ABC
Vị trí Papua New Guinea và tỉnh Enga. Đồ họa: ABC
vnexpress.net

Đọc thêm

Dải Gaza lún sâu vào khủng hoảng nhân đạo

Dải Gaza lún sâu vào khủng hoảng nhân đạo

Tình trạng vô chính phủ đang lan rộng ở Dải Gaza, với nạn cướp bóc tràn lan, các vụ giết người, nổ súng đặt người dân đối mặt với khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Kinh tế Trung Quốc chững lại

Kinh tế Trung Quốc chững lại

Thị trường bất động sản suy thoái kéo dài, tình trạng việc làm bấp bênh... là hai trong nhiều nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc suy giảm trong quý 2 năm nay.