Thảm họa lũ quét tại Ấn Độ - hồi chuông cảnh báo hậu quả của biến đổi khí hậu

Thảm họa vỡ hồ sông băng Lhonak gây lũ quét tại Ấn Độ đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu, cũng như vai trò quan trọng của các hệ thống cảnh báo sớm.

Thảm họa lũ quét tại Ấn Độ - hồi chuông cảnh báo hậu quả của biến đổi khí hậu

Binh sĩ Ấn Độ tìm kiếm người mất tích sau trận lũ quét ở bang miền núi Sikkim, ngày 5/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), khu vực bang Sikkim, Đông Bắc nước này, đã chứng kiến lượng mưa lớn, trong đó phần phía Bắc của bang, nơi có hồ sông băng Lhonak, hứng chịu lượng mưa gần 50mm vào ngày 1/10, nhiều hơn 48% so với mức bình thường. Các khu vực khác của bang thậm chí còn chứng kiến lượng mưa lớn hơn, trong đó các khu vực phía Đông Sikkim có lượng mưa trái mùa tăng đáng kinh ngạc, lên tới 315%, và Nam Sikkim ghi nhận lượng mưa nhiều hơn 943% so với bình thường.

Mưa to bất thình lình ở khu vực hồ Lhonak không chỉ khiến hồ tràn bờ mà còn làm tăng mực nước ở sông Teesta, làm vỡ một con đập. Nước sông Teesta dâng cao làm hư hại thêm một con đập ở Chungthang, dự án thủy điện lớn nhất bang, gây ra mực nước dâng đột ngột ở hạ lưu. Gần 65% lượng nước trong hồ Lhonak đã chảy ra khỏi khu vực hồ chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 28/9-4/10, tương đương khoảng 105 ha hồ. Lượng nước quá lớn cùng lúc đổ xuống hạ nguồn chính là nguyên nhân gây ra lũ quét ở hạ lưu.

Tuy hiện chưa có con số thống kê thiệt hại chính thức, nhưng theo giới chức Ấn Độ, đợt lũ vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng tại bang Sikkim, phá hủy hơn 1.200 nhà dân, một cây cầu bằng thép đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Nhiều đoạn Quốc lộ 10 (tuyến huyết mạch của Sikkim) cũng bị ngập và hiện không thể sử dụng được do mặt đường và 14 cây cầu bắc qua sông Teesta bị hư hỏng. Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 8/10, giới chức Ấn Độ cho biết ít nhất 77 người đã thiệt mạng. Trong khi đó, hoạt động sơ tán người dân bị nạn gặp nhiều khó khăn do hệ thống cầu đường bị nước lũ tàn phá, hệ thống giao thông liên lạc mất tín hiệu. Hơn 3.000 người đang ở một số trung tâm lánh nạn ở phía Bắc của bang do máy bay sơ tán không thể cất cánh theo đúng kế hoạch vì thời tiết xấu. Hiện lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm hơn 100 người mất tích. Đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong 50 năm qua tại khu vực hồ sông băng Lhonak.

Không khó để “vạch mặt” thủ phạm gây ra trận thiên tai khủng khiếp này. Đó chính là biến đổi khí hậu. Khu vực xảy ra lũ quét nằm gần biên giới của Ấn Độ với Nepal và Trung Quốc, trong khi hồ Lhonak ở dưới chân sông băng trên những đỉnh núi tuyết bao quanh Kangchenjunga, ngọn núi cao thứ 3 thế giới. Lũ quét thường xảy ra trong mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến cuối tháng 9 tại Ấn Độ.

Thảm họa lũ quét tại Ấn Độ - hồi chuông cảnh báo hậu quả của biến đổi khí hậu

Một cây cầu bị nước lũ cuốn trôi tại bang Sikkim, Ấn Độ ngày 5/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông thường đến tháng 10, những cơn mưa lớn không còn xuất hiện. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các trận mưa tại nước này. Cùng với mưa lớn bất ngờ gây lũ lụt, việc các sông băng tan chảy do khí hậu ấm lên cũng xả ra một lượng nước lớn làm cho mức độ thiệt hại do thiên tai càng nghiêm trọng hơn. Tháng 6 vừa qua, Trung tâm Phát triển vùng núi quốc tế (ICIMOD) công bố báo cáo cho thấy từ năm 2011-2020, tốc độ các sông băng biến mất nhanh hơn 65% so với thập kỷ trước đó.

Theo các xu hướng phát thải hiện tại, thể tích của các sông băng có thể sụt giảm tới 80% vào cuối thế kỷ này. Theo nghiên cứu vào năm 2022, hơn 200 sông băng như vậy đang tiềm ẩn mối nguy hại rất lớn đối với cộng đồng dân cư thuộc dãy Himalaya, trải dài ở các nước gồm Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Nepal và Bhutan. Các nhà khoa học cảnh báo thảm họa tương tự sẽ còn xảy ra với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng tại khu vực dãy Himalaya do nhiệt độ toàn cầu tăng đẩy nhanh tốc độ băng tan, khiến mực nước sông dâng cao và hình thành các hồ nước lớn dẫn tới nguy cơ lũ quét khi xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thảm họa vỡ hồ Lhonak đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp chủ động để quản lý và giảm thiểu tác động của lũ lụt bùng phát ở hồ băng khu vực Himalaya. Giới chức chính phủ và các nhà khoa học Ấn Độ đang nỗ lực hoàn thiện mô hình thiết kế hệ thống cảnh báo sớm để có thể lắp đặt trên hồ Lhonak nhằm ứng phó nguy cơ xảy ra thảm họa vỡ hồ sông băng trong tương lai. T

heo quan chức tham gia dự án, phần đầu tiên của hệ thống cảnh báo sớm đã được lắp đặt trong tháng 9. Phần này gồm một camera giám sát mực nước ở hồ Lhonak và các thiết bị khác để theo dõi tình hình thời tiết. Việc hoàn thiện lắp đặt hệ thống đang được triển khai thì thiên tai đã ập đến. Theo các nhà khoa học, nếu được vận hành đầy đủ trước khi thảm họa xảy ra, khả năng cảnh báo sớm của hệ thống đã có thể giúp người dân có thêm nhiều thời gian để ứng phó, nhất là khi cần đi sơ tán.

Theo Tin tức

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.