Hơn 30 năm canh giữ “mắt thần” của biển

(Baohatinh.vn) - Với ông Nguyễn Đăng Sỹ - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), công việc canh “mắt thần” luôn sáng giữa biển khơi tuy thầm lặng nhưng cũng đầy tự hào, thiêng liêng.

Tôi là Nguyễn Đăng Sỹ (SN 1969, quê ở xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân). Hiện, tôi là Trạm trưởng Trạm Hải đăng Cửa Nhượng (xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên). Tôi bắt đầu làm nhiệm vụ canh giữ “mắt thần” từ năm 1991 tại Trạm Hải đăng Nhật Lệ (Quảng Bình). Sau đó, cứ vài ba năm, tôi và các đồng nghiệp lại chuyển nơi làm việc. Cuối năm 2023, tôi chuyển về Trạm Hải đăng Cửa Nhượng.
Tại Trạm Hải đăng Cửa Nhượng, tôi và các đồng nghiệp đảm nhận công việc quản lý, vận hành thiết bị báo hiệu hàng hải để giúp ngư dân nhận biết đất liền. Mọi công việc đều được chúng tôi ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ.
Hằng ngày, tôi và 3 thành viên khác phân công nhau trực 24/24 giờ, mỗi ca trực kéo dài 2-4 giờ để luôn đảm bảo cho các thiết bị ở trạm hoạt động thông suốt. Công việc này được tôi duy trì đều đặn suốt 33 năm qua. Chừng ấy năm trôi qua cũng đủ để tôi cảm nhận được những gian khổ, nhất là khi quanh năm làm việc giữa biển khơi, thiếu thốn tình cảm gia đình.
Mỗi ngày, tôi và các đồng nghiệp thay nhau vệ sinh khu vực trạm điện, kiểm tra, bảo trì máy phát điện và nạp điện vào bình ắc quy để đảm bảo cho đèn sáng trong mọi điều kiện thời tiết. Ở gần biển, đèn hải đăng và các thiết bị điện dễ bị hỏng, ăn mòn, vì thế, việc kiểm tra các thiết bị được chúng tôi thực hiện thường xuyên.
Thường xuyên phải sống xa gia đình, những người canh ngọn hải đăng như chúng tôi luôn lấy biển làm bạn, sự an toàn của ngư dân làm niềm vui. Ở trạm hải đăng, ngoài việc quản lý, vận hành thiết bị báo hiệu hàng hải, mỗi ngày, tôi và các đồng nghiệp cũng thay nhau trực thiết bị thông tin vô tuyến VHF (thiết bị thông tin liên lạc thông dụng hoạt động trên dải tần số rất cao).
Chúng tôi luôn phải đảm bảo thiết bị thông tin vô tuyến VHF được hoạt động thông suốt nhằm nắm bắt thông tin liên lạc, kết nối với các kênh thông tin thời tiết, cập nhật tình hình thời tiết trên biển…
“Mắt thần” hải đăng Cửa Nhượng cao 30m tính từ mực nước số 0 hải đồ. Mỗi cán bộ, nhân viên ở trạm ngày ít nhất phải lên, xuống 4 lần để trực, kiểm tra máy móc, đèn chiếu sáng. Năm nay đã 55 tuổi nhưng quen với công việc nên khi leo lên ngọn đèn bằng chiếc cầu thang xoắn ốc, tôi cũng không bị mệt.
Đèn chiếu sáng từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, còn lại là thời gian kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị. Với tôi, ngọn hải đăng không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa biển trời bao la mà còn là biểu tượng niềm tin cho ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Sau khi dành thời gian lau và kiểm tra hải đăng, tôi tranh thủ dùng ống nhòm để quan sát vùng biển quê hương. Xa xa kia là những chiếc tàu thuyền của ngư dân đang đánh bắt hải sản. Và giữa màu xanh của biển trời, tôi thấy được cả những lá cờ Tổ quốc đang tung bay phấp phới…
Đây là anh Hồ Phúc Tuấn (SN 1972, quê xã Thuần Thiện, Can Lộc). Anh Tuấn vào nghề đến nay đã 22 năm. Cũng như tôi, anh Tuấn đã đặt chân đến nhiều trạm hải đăng trên khắp cả nước. Mỗi nơi chúng tôi đến và làm việc đều lưu dấu những kỷ niệm đẹp. Như tại Trạm Hải đăng Cửa Nhượng, mỗi khi leo lên mái nhà để làm sạch pin năng lượng mặt trời, tôi và anh Tuấn sẽ bớt chút thời gian, phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn dáng hình quê hương.
Nhiều năm nay, khi đời sống đã được nâng cao thì điều kiện sinh hoạt của cán bộ, nhân viên ở trạm hải đăng đã được cải thiện hơn. Nhưng có những lúc, chúng tôi cũng thấy chạnh lòng bởi nỗi nhớ nhà. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì có hậu phương vững chắc, ủng hộ và tự hào về công việc thầm lặng này.
Sau mỗi ca trực, tôi cùng anh Tuấn sẽ kiểm tra lại sổ sách, từ đó, tôi sẽ thực hiện công tác báo cáo theo tuần, tháng, quý… với Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Bắc Trung Bộ (Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải Miền Bắc). Chúng tôi làm việc với nhau ăn ý, cùng nhau động viên nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi khi tới bữa ăn, chúng tôi lại thay nhau vào bếp. Đã quen với cảnh sống xa nhà hàng chục năm nay nên việc nấu ăn không thể làm khó được cánh mày râu chúng tôi. Thêm vào đó, thời gian ở trạm còn nhiều hơn ở nhà nên chúng tôi đều quan tâm, chăm sóc nhau không khác gì gia đình.
Trạm Hải đăng Cửa Nhượng có chút khác biệt với những nơi tôi từng đi qua bởi nơi đây khá gần khu dân cư và bãi biển Cẩm Lĩnh, Thiên Cầm. Thế nên, nhiều đoàn khách du lịch cũng thường ghé thăm và chụp ảnh với ngọn hải đăng. Chúng tôi rất vui khi được tiếp đón họ và giới thiệu thêm về nơi này.
Từ ngọn hải đăng nhìn về bờ biển xã Cẩm Lĩnh, thấy hình ảnh ngư dân tất bật với những thuyền cá đầy khoang, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Bởi sự an toàn của ngư dân, chủ quyền biển đảo thiêng liêng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc thầm lặng này.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói