Chuyện đời xúc động của một cựu tù Côn Đảo

(Baohatinh.vn) - Trở về từ chiến trường với thương tật nặng nề, nhưng thương binh Trần Văn Xuân ở xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã vượt qua tất cả nhờ tình yêu thương của người vợ là bà Võ Thị Nhân.

Những ngày này, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng thương binh Trần Văn Xuân và bà Võ Thị Nhân ở thôn Làng Lau (xã Vượng Lộc, Can lộc), câu chuyện về những năm tháng chiến đấu anh dũng của ông và mối duyên chồng vợ của ông bà lại được kể thật nhiều. Những dấu mốc cuộc đời người lính cứ như những trang tiểu thuyết đầy xúc động…

a1.jpg
Ông Trần Văn Xuân và vợ là bà Võ Thị Nhân.

Người chiến sỹ ngoan cường

Lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, ông Trần Văn Xuân (SN 1945) đã sớm ý thức trách nhiệm của mình đối với đất nước. Năm 1963, khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã xung phong đi bộ đội và được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Sau đó, ông được cử đi học Trường Hạ sĩ quan ở Thanh Hóa và sau khi tốt nghiệp (năm 1966), ông trở lại đơn vị, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Tháng 5/1967, đơn vị của ông Trần Văn Xuân thực hiện nhiều trận đánh, chuẩn bị mở màn cho Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh và tiêu diệt một lượng lớn sinh lực địch. Lúc bấy giờ, ông Xuân là Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát. Trong một lần ông dẫn đơn vị đi nắm tình hình thì bị địch phát hiện, chúng bao vây đội hình, cho hỏa lực bắn vào tới tấp, ông Xuân và nhiều đồng đội bị thương. Không dừng lại ở đó, địch cho trực thăng rà soát, ông Xuân bị chúng phát hiện và kéo lên trực thăng. Lúc này, trên đầu ông vẫn còn mảnh đạn pháo găm vào thái dương nên bị chảy máu đến ngất lịm.

a2.jpg
Ông Trần Văn Xuân cùng vợ và các cựu chiến binh xã Vượng Lộc (Can Lộc) ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng kiên cường.

Khi tỉnh lại, ông mới biết mình đã bị địch đưa về điều trị và giam giữ ở trại giam Đà Nẵng. Ở đây, địch dùng nhiều cực hình tra tấn dã man để lấy lời khai nhưng ông vẫn không hé nửa lời. “Một hôm chúng đưa tôi lên tra khảo. Trong phòng có 1 sỹ quan Mỹ, 2 tên ngụy. Tên sỹ quan Mỹ dùng thanh sắt nung đỏ ép vào má tôi quát lớn lên bằng tiếng Việt: Mày vào đây làm gì? Tôi đau đớn bật nảy mình hét vào mặt nó: “Tao vào đây để đánh chúng mày…”. Tên Mỹ gào lên: “Móc mắt nó ra”. Tên ngụy liền lấy thanh sắt đâm thọc vào mắt trái tôi, rồi giật ra… tôi đau đớn ngất đi. Khi tỉnh lại thấy mình nằm trong chuồng cọp, mắt trái không còn nhìn thấy nữa. “Gần 7 ngày sau, chúng lại lôi tôi lên tra khảo, tôi vẫn im lặng, chúng banh miệng tôi ra, lấy kìm bẻ 4 cái răng. Lúc ấy, tôi nghĩ: Chúng mày chỉ làm tổn hại được thân thể tao chứ không giết được ý chí của tao đâu” - thương binh Trần Văn Xuân kể lại.

Tháng 8/1967, địch đưa ông Xuân và các tù binh khác ra trại giam Chí Hòa (Sài Gòn), chúng tiếp tục tra tấn bằng nhiều cực hình suốt một tháng nhưng không lấy được thông tin gì. Đến tháng 9/1967, chúng đưa ông ra giam tại nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại đây, ông đã cùng đồng đội thực hiện nhiều cuộc đấu tranh và tiếp tục bị đánh đập, tra tấn dã man.

A8_Ava.jpg
Những hình thức tra tấn dã man chiến sỹ cách mạng tại các nhà tù của chế độ Ngụy quyền. Ảnh: Internet

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, các chiến sĩ bị địch bắt giam cũng được trao trả. “Lúc đó, tôi kiệt quệ không còn nhận biết được quê mình ở đâu nữa. Theo sự sắp xếp của đơn vị, tôi được đưa về an dưỡng và điều trị tại Đoàn 200 (ở Nghĩa Đàn, Nghệ An), rồi ra Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang). Đến cuối năm 1973, tôi mới được đơn vị cho người đưa về gia đình trong tình trạng cơ thể tàn phế, mắt trái bị hỏng, chấn thương sọ não, trên người vẫn còn nhiều mảnh đạn…” - ông Xuân nhớ lại.

Hồi sinh nhờ tình yêu của người “em gái” hậu phương

Trở về từ chiến trường với di chứng nặng nề từ bom đạn và sự tra tấn của kẻ thù, ông Trần Văn Xuân bị tàn phế cả cơ thể lẫn tâm trí. Những tưởng cuộc đời của ông sẽ không còn tương lai. Thế nhưng, tình yêu của cô thôn nữ tên là Võ Thị Nhân (SN 1948, ở thôn Đồng Huề, xã Vượng Lộc) đã như một “phép màu”, giúp ông dần hồi sinh, viết lên những trang mới của cuộc đời.

a4.jpg
Bà Võ Thị Nhân

Bà Võ Thị Nhân kể: “Năm 20 tuổi, tôi xung phong đi dân công hỏa tuyến, làm nhiệm vụ tại Lào rồi về Đường 9, Khe Sanh… Năm 1973, tôi trở về địa phương, làm Phó Bí thư Đoàn xã Vượng Lộc. Từng vào chiến trường, sau này làm công tác hậu phương, mỗi năm 2 lần tiễn thanh niên ra trận, nhiều lần nhận giấy báo tử của người làng, tôi hiểu rõ sự hy sinh, cống hiến của người lính cho quê hương đất nước. Vì vậy, khi gặp ông Xuân trở về trong hình hài tàn phế, tôi thấy thương vô cùng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định nói với tổ chức và bố mẹ anh, tình nguyện lấy anh làm chồng. Ban đầu anh không đồng ý, sợ làm khổ tôi nhưng sự kiên trì của tôi đã thắng”.

Đám cưới của ông Xuân và bà Nhân diễn ra đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng dưới sự ủng hộ của các đoàn thể và bà con. Tình yêu cứ dần nảy nở giữa 2 người. Năm 1977, ông bà chào đón con trai đầu lòng, tiếp đó thêm 1 trai, 2 gái. Con đông cộng với việc ông thỉnh thoảng lại phát bệnh tâm thần không kiểm soát khiến cuộc sống của bà Nhân gian khó vô cùng. Dù vậy, chưa một lần nào bà Nhân tỏ ra hối hận với lựa chọn của mình. Bà yêu ông và biết ơn ông. Càng gian nan, tình cảm đó càng sâu đậm.

a6.jpg
Ông Trần Văn Xuân đã tích cực đi đầu và vận động bà con thôn Làng Lau tham gia thực hiện thành công nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đến nay, 4 người con đều đã lập gia đình có cuộc sống ổn định. Đặc biệt, dưới sự chăm sóc tận tình của bà, những di chứng chiến tranh trong cơ thể ông Xuân cũng dần thuyên giảm. Hơn 20 năm nay, ông Trần Văn Xuân trở nên khỏe hơn, trí tuệ phục hồi, không còn phát bệnh như thời trẻ. Nhờ vậy, ông đã tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương, trở thành một cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong xây dựng NTM. Không chỉ đồng hành với cấp ủy và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các tiêu chí NTM, ông còn tiên phong hiến hơn 100m2 đất vườn nhà để mở rộng đường giao thông, kêu gọi các con đóng góp cho việc làng, việc xã…

a5.jpg
Một góc khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Làng Lau (Vượng Lộc, Can Lộc) hôm nay.

Ông Trần Xuân Thảo - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vượng Lộc cho biết: “Chưa cần kể đến những đóng góp của CCB Trần Văn Xuân trong các phong trào của địa phương, câu chuyện chiến đấu của ông đã là niềm tự hào của anh em chúng tôi. Chính câu chuyện đầy xúc động của cuộc đời ông Xuân là bài học lịch sử sâu sắc đối với thế hệ trẻ trên quê hương Làng Lau”.

Chiến tranh là thế, ở đó có cả khúc khải hoàn cũng có những nốt trầm còn neo lại trong cuộc sống bao người. Nhưng cũng chính chiến tranh đã tôi luyện bản lĩnh, ý chí kiên cường cho người lính; gieo lên trong cuộc đời họ thật nhiều yêu thương. Để rồi, giữa đời thường, ta lại được chứng kiến thật nhiều câu chuyện xúc động và đầy ân nghĩa.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.