Núi Hồng - Sông La

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Trưa tháng 7, trong dòng người hành hương về Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh), tôi gặp lại bà Lê Thị Nhị - nhân vật nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật năm nào.

Bài thơ: Gửi em, cô thanh niên xung phong. Thơ: Phạm Tiến Duật

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Khác với hình dung về một nữ TNXP trẻ trung, tinh nghịch giữa chiến trường đạn bom năm xưa trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, bà Lê Thị Nhị năm nay đã 77 tuổi, trên gương mặt rám màu thời gian đã xuất hiện nhiều vết đồi mồi. Dù vậy, khi nhắc về kỷ niệm những ngày tham gia lực lượng TNXP chiến đấu giữa chiến trường khốc liệt trên quốc lộ 15A đoạn qua Ngã ba Đồng Lộc và cuộc gặp gỡ tình cờ với cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, ánh mắt bà Nhị như sáng bừng lên.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Bà Nhị trò chuyện cùng Anh hùng LLVT Nhân dân La Thị Tám (bên phải) trong chuyến về thăm Ngã ba Đồng Lộc tháng 7/2023.

Bằng chất giọng đặc trưng của phụ nữ miền biển, bà Nhị kể: “Tôi sinh năm 1946, trong gia đình có 5 người con nhưng ngoài chị gái đầu và tôi là út, 3 người còn lại mất sớm. Năm 1950, bố tôi đi tham gia vận tải ở Hải Phòng bị địch bắn chết, nhà chỉ còn 3 mẹ con. Năm 1966, khi vừa tròn 20 tuổi, thời điểm chiến tranh ác liệt, tôi viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP và được phân vào Tiểu đội 4, Đại đội 554 (Tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh), trực tiếp chiến đấu trên quốc lộ 15A”.

Thời điểm đó, cung đường 15A từ Ngã ba Lạc Thiện (Đức Thọ) đến Khe Giao đi qua Ngã ba Đồng Lộc là nơi bị địch bắn phá liên tục, mỗi ngày trung bình có 5 - 7 lần địch thả xuống hàng trăm quả bom, hòng cắt đứt huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Đơn vị của bà Nhị được phân công nhiệm vụ cắm tiêu, rà phá bom, làm đường thông tuyến khu vực cầu Bạng (giáp ranh giữa xã Phú Lộc và Thượng Lộc ngày nay), thỉnh thoảng bà và tiểu đội được điều động chi viện hỗ trợ tại Ngã ba Đồng Lộc.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Bà Nhị cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa ở cầu Bạng, trên quốc lộ 15A.

Lúc bấy giờ trên quốc lộ 15A, cùng với Ngã ba Đồng Lộc, cầu Bạng (có chiều dài khoảng hơn 20m, rộng 4m) là một yếu huyệt giao thông. Vì vậy, đây là nơi trọng điểm bắn phá của địch. Cùng với đồng đội, nhiệm vụ chính của bà Lê Thị Nhị lúc bấy giờ là san lấp hố bom, làm đường cho xe thông tuyến.

Năm 1968, bà xung phong vào đội cảm tử gồm 6 người của Tiểu đội 4 (lúc bấy giờ mỗi tiểu đội có 1 đội cảm tử). Công việc của đội cảm tử là thay phiên nhau đếm bom, rà phá bom, cắm cọc tiêu vào bom nổ chậm nên có thể hy sinh bất kỳ lúc nào. Biết tin bà xung phong vào đội cảm tử, mẹ bà đã lên tận đơn vị để “khiếu nại” với đơn vị về việc gia đình chỉ còn 2 đứa con gái, một đứa đã lấy chồng, nếu Nhị chết thì bà không còn ai chăm sóc. “Tôi đã động viên mẹ: mẹ yên tâm, con không chết được mô mà lo. Nếu bọn con không đánh giặc thì làm sao có hòa bình được”, bà Nhị kể.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Cầu Bạng từng là trọng điểm bắn phá của Mỹ giai đoạn 1965 - 1972. Trong ảnh từ trái sang: bà Lương Thị Tuệ - nguyên Tổng đội phó Tổng đội TNXP N55 P18 Hà Tĩnh, ông Lê Thanh Bính (nhà thơ Yến Thanh) và bà Lê Thị Nhị.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Đến bây giờ, bà Nhị vẫn nhớ mãi những ngày chiến đấu quả cảm của mình và đồng đội năm ấy. Bà cho hay: “Đội cảm tử của tôi gồm có 6 người: 3 nam, 3 nữ thay phiên nhau. Mỗi ngày, 3 người đi đếm bom, cắm tiêu thì 3 người còn lại làm đường. Lúc đó, ngày thì giặc ném bom, đêm thì thả pháo sáng, cái chết luôn cận kề, nhưng tôi và nhiều đồng đội nỏ biết sợ hãi chi. Trong nhiều kỷ niệm, tôi vẫn nhớ mãi 2 lần suýt không được về với mẹ.

Đó là lần cùng anh Cương, thành viên của đội cảm tử đi rà bom để cắm tiêu vào một buổi trưa tháng 8/1968. Sau khi phát hiện 1 quả bom chưa nổ, 2 anh em cầm 2 đầu dây có gắn nam châm ở giữa để rà, rà qua rà lại nó không nổ. Ở khoảng cách với quả bom chừng 20m, chúng tôi ra hiệu cho nhau thu dây chuẩn bị tiến lên cắm tiêu thì quả bom bỗng phát nổ, đất đá bay mù trời đổ ập xuống người chúng tôi. Một lát sau, 2 anh em mới bới đất bò dậy, biết là mình còn sống. Khi chúng tôi bơi qua sông về đơn vị thì nhìn thấy cả đại đội đứng trên bờ, nhiều bạn ôm nhau khóc nghĩ chúng tôi đã chết.

Lần thứ 2, tôi suýt hy sinh khi một mình đi rà bom. Lúc đó, phát hiện quả bom từ trường nằm lỳ trên đường, sau khi lần thử nhiều cách nó không nổ, tôi quyết định tiến lại cắm tiêu. Vừa quay đi được chừng 15m thì như có linh tính báo, tôi kịp nằm rạp xuống đất trước “tích tắc” quả bom phát nổ. Ở cự ly khá gần, tôi bị sức ép khi đất đá đổ ập xuống vùi lấp người. May nhờ có anh Phúc (người Cẩm Xuyên) trong đội giao thông phát hiện kịp thời, cứu giúp và cõng về đơn vị".

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Một mố cầu Bạng thời chống Mỹ còn sót lại dưới lòng suối.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Những năm tháng chiến tranh, bà Lê Thị Nhị cũng như bao nữ TNXP khác chiến đấu anh dũng, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước. Nhưng cô gái Lê Thị Nhị may mắn hơn khi có cuộc gặp gỡ “kỳ lạ” với người lính trẻ mà sau này bà mới biết ông là nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả bài thơ nổi tiếng “Gửi em, cô thanh niên xung phong”.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Bà Lê Thị Nhị (thứ 3 từ trái sang) cùng các anh hùng, cựu TNXP dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ ngành GTVT ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Bà Nhị kể: “Đó là một buổi tối giữa năm 1968, địch thả pháo sáng đầy trời, như thường lệ, tiểu đội của chúng tôi ra đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom, tôi mặc chiếc áo xanh hòa bình còn khá mới. Lúc tôi đang cùng một số chị em cắm hàng rào quanh một hố bom để cảnh báo cho các đoàn xe đi qua, thì có một anh bộ đội nói giọng Bắc đi đến. Anh ta hỏi thăm mọi người rồi đến gần tôi: “Còn em thì quê ở đâu? Tôi khẽ liếc mắt nhìn qua rồi quay lại vừa làm vừa nói: “Em ở Thạch Nhọn”. Mọi người nghe thế cười ồ lên, khiến anh ta ngơ ngác “Thạch Nhọn là ở đâu? Có tiếng trả lời: Thạch Kim đó ạ. Anh ta quay sang tôi, sao em ở Thạch Kim lại lừa anh Thạch Nhọn? Tôi bảo “Kim không nhọn thì răng nựa”. Mọi người lại cười ồ lên…”.

Bà Nhị không ngờ cuộc gặp gỡ chớp nhoáng và câu chuyện đùa vui của mình với anh bộ đội trẻ lại là nguyên cớ cho bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong" ra đời, được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam một năm sau đó và khiến bà “suýt” bị kỷ luật: “Có lẽ nào anh lại mê em/Một cô gái không nhìn rõ mặt/ Đại đội thanh niên đi lấp hố bom/ Áo em hình như trắng nhất.../ Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”/ Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón/ Em đóng cọc rào quanh hố bom/ Cái giọng em ngoa cho bạn cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để…".

“Lúc bài thơ được đọc trên đài, tôi bị ông Đào Vũ Nghinh (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4, Tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh - PV) gọi lên bảo: Sao O lại lừa bộ đội để dừ (giờ) người ta đọc thơ trên đài? O mần rứa là phải kỷ luật”. Tôi ngớ ra, mãi sau mới nhớ đến câu chuyện đùa một năm trước. Tôi nói với ông Nghinh, tui sai tui chịu kỷ luật, cho tui đi chăn tru cũng được chơ đừng bắt tui về, xấu hổ với mẹ và xóm làng lắm. May mà sau đó, thủ trưởng nói vì ông Duật là nhà thơ chứ không phải cán bộ, bộ đội nên tôi thoát tội”, bà Nhị nhớ lại.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Tác giả trò chuyện cùng các cựu TNXP Lê Thị Nhị và Lê Thanh Bính tại Ngã ba Đồng Lộc.

Sau câu chuyện đó, bà Nhị chỉ bị nhắc nhở và tiếp tục ở lại chiến đấu cho đến năm 1972. Năm 1973, bà thi đậu vào Trường Đại học Thể dục Thể thao (đóng ở Bắc Ninh). Tuy nhiên, đi học được một năm, do hoàn cảnh mẹ già đau yếu không ai chăm sóc, bà đành bỏ dở việc học về nhà nuôi mẹ. Năm 1999, thông qua sự vận động của Báo Tuổi trẻ và chính quyền xã Thạch Kim, mẹ con bà Nhị được xây dựng 1 căn nhà nhỏ. Từ năm 2002 đến nay, sau khi mẹ mất, bà sống một mình, hằng ngày buôn bán nhỏ ở cảng cá Cửa Sót.

Năm 2007, sau gần 40 năm kể từ khi bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” ra đời, bà Nhị mới có dịp gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật, trước khi ông mất. Dù lúc ấy, nhà thơ không nói được nữa nhưng trong ánh mắt, bà biết ông vui mừng khi gặp lại người con gái TNXP năm xưa.

Gặp “cô gái Thạch Nhọn” nơi chiến trường xưa

Bà Lê Thị Nhị với cuộc sống đời thường bên quầy hàng tạp hóa ở Cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà).

“Cuộc đời của tôi, tuổi xuân dành cho đất nước, hết chiến tranh sống vì mẹ, đó là niềm tự hào. Ngày nay, nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới, Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến người có công, tôi cảm thấy mãn nguyện với những gì bản thân và thế hệ của mình đã cống hiến”, cựu thanh niên xung phong Lê Thị Nhị bày tỏ.

thiết kế & Kỹ thuật: Huy Tùng - Khôi nguyễn

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.