Hướng dẫn vận động bầu cử với người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở Hà Tĩnh thuộc đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh hôm nay (19/4) ban hành Hướng dẫn số 12/HD-MTTQ-BTT về việc vận động bầu cử đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hướng dẫn vận động bầu cử với người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp ở Hà Tĩnh

Sau hội nghị hiệp thương lần 3, Hà Tĩnh có 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 91 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2021 - 2026

Nguyên tắc vận động bầu cử

Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử

Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Thời gian vận động bầu cử

Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

Cụ thể: bắt đầu từ ngày 3/5/2021 đến trước 7 giờ sáng 22/5/2021.

Hướng dẫn vận động bầu cử với người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp ở Hà Tĩnh

Ông Lê Văn Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố 8 thị trấn Nghèn (người bên trái) thường xuyên có mặt tại hội quán để hướng dẫn người dân kiểm tra danh sách cử tri.

Hình thức vận động bầu cử

Việc vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành bằng các hình thức sau đây:

2.1. Vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

a) Trách nhiệm tổ chức hội nghị

- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII. Trường hợp đặc biệt do điều kiện khách quan, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện chủ trì, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cử cán bộ tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri được thực hiện an toàn, đúng luật.

- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã; các xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.

- Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

b) Số cuộc hội nghị tiếp xúc:

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về số cuộc tiếp xúc cử tri:

- Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc.

- Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc.

- Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc (riêng trường hợp đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở những đơn vị cấp xã có số cử tri, số thôn, tổ dân phố ít thì có thể tổ chức từ 01 đến 02 cuộc).

Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri thực hiện vận động bầu cử nêu trên, các ứng cử viên khi cần tiếp xúc cử tri vận động bầu cử ở các địa bàn, các lĩnh vực... phải thống nhất với Ủy ban MTTQ cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định.

c) Thành phần tham dự hội nghị

Các cử tri có nguyện vọng tham dự và đại biểu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương (gồm đại biểu của cấp ủy đảng, HĐND, UBND, UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (Tổ trưởng Tổ dân phố), Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư và đại diện cử tri ở địa phương.

Số lượng cử tri tối thiểu tại 1 hội nghị: 50 người.

d) Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây:

- Tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần và đại biểu tham dự hội nghị;

- Đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử;

- Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;

- Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.

e) Sau hội nghị tiếp xúc cử tri:

- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên trực tiếp.

2.2. Vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

a) Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).

b) Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử, đảm bảo dân chủ, bình đẳng giữa các ứng cử viên.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phải báo cáo xin ý kiến của Ủy ban MTTQ tỉnh để giải quyết kịp thời đảm bảo thời gian và đúng quy định của pháp luật.

Chủ đề BẦU CỬ ĐBQH VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.