Là địa phương sở hữu hơn 63.000 ha rừng và đất rừng (rừng tự nhiên chiếm hơn 60%) trong khi lực lượng tham gia bảo vệ rừng mỏng, ý thức bảo vệ của một số người dân chưa cao khiến những năm 2021 trở về trước công tác bảo vệ rừng ở huyện Hương Khê gặp rất nhiều khó khăn. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê Nguyễn Quang Hào, toàn bộ diện tích rừng ở Hương Khê ngoài trách nhiệm quản lý thuộc về 3 chủ rừng lớn là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, Công ty Cao su Hương Khê, số còn lại là 13.247 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên được giao cho 3.763 hộ dân. Diện tích rừng lớn, trong khi lực lượng chuyên ngành mà nòng cốt là kiểm lâm lại mỏng (giảm hơn 10 người so với trước) khiến công tác bảo vệ rừng vốn đã khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Hương Khê đã tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo các địa phương vào cuộc một cách quyết liệt. Bên cạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức (tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh các xã, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi), Hạt Kiểm lâm Hương Khê còn tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng đối với 3.820 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng và những hộ sống cận kề rừng.
Cùng với tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm Hương Khê còn phối kết hợp với Công an huyện Hương Khê, Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuần tra canh gác nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm xảy ra.
“Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê chịu trách nhiệm quản lý diện tích rừng lên đến 31.200 ha. Làm thế nào để đảm bảo an toàn, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật luôn là vấn đề được đơn vị đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng khu vực giáp ranh (Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Vườn Quốc gia Vũ Quang), lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách 54 người của đơn vị thường xuyên thay phiên nhau tuần tra canh gác để phát hiện, ngăn chặn và cùng các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Nguyễn Thượng Hải - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê cho hay.
Đặc biệt, những ngày nắng nóng lên đến đỉnh điểm, các đơn vị còn bố trí lực lượng thường xuyên trực các điểm chốt ra vào rừng, ngăn chặn, nghiêm cấm tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi giải trí có phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ở trong và ven rừng, nhất là đốt ong hoặc xử lý thực bì để ngăn chặn cháy rừng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng còn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật bảo vệ rừng để tăng tính răn đe. Từ năm 2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm Hương Khê đã xử lý 17 vụ việc vi phạm, xử phạt số tiền lên đến 350 triệu đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, đơn vị đã xử lý 2 vụ gây cháy rừng khiến 0,4 ha rừng bị thiệt hại, xử phạt số tiền 180 triệu đồng.
Với nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhiều cánh rừng ở huyện Hương Khê bình yên trở lại. 3 năm lại nay, tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng giảm mạnh. Năm 2022, toàn huyện Hương Khê có 91 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng; đến năm 2023 giảm còn 65 vụ. 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện chỉ xảy ra 17 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng, giảm 19 vụ so với cùng thời điểm năm 2023. Đây là những con số “biết nói” phản ánh nỗ lực không biết mệt mỏi của ngành chức năng trong công tác bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết: Việc giao rừng tự nhiên cho các hộ dân theo Đề án 3952, ngày 6/12/2013, của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2013-2015, bên cạnh nhiều ưu điểm vẫn còn có điểm hạn chế nên ở một số địa bàn xuất hiện tình trạng sẻ phát, đốt rừng để chuyển sang trồng keo. Tuy nhiên, những năm gần đây, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát nên hạn chế được tình trạng vi phạm. Đối với những trường hợp vi phạm hành chính nếu không nộp phạt, huyện sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích rừng được giao khoán nên các hộ gia đình không dám "bức tử" cây xanh để chuyển sang trồng keo.