Hương Sơn phong cảnh hữu tình
Đã không biết bao nhiêu lần đến với Hương Sơn và cứ lạ vậy, mỗi lần đi, tôi lại có cho mình mỗi cảm nhận thật dịu mát trong lòng. Mùa tháng 3, cây lá bên đường mơn mởn xanh, xoan tím ngát dọc triền sông Ngàn Phố, hai bên đồi núi trập trùng, lộc vừng đổ lá như dệt chút sắc thu. Sông yên ả, những làng quê yên bình… Quả là một bức tranh nhiều sắc màu và thật là trù phú.
“Hương Sơn đầu năm rất êm đềm và ai cũng phấn khởi. So với một số huyện thì chúng tôi có cam, nhung hươu, dê núi, có chè… Anh em ước tính, riêng giá trị thu được từ cam phải hơn 300 tỷ đồng, nhung hươu khoảng 130 tỷ đồng; sản lượng cam và nhung hươu đều tăng so với năm trước. Vừa rồi, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông du khách về rất đông, nhiều khách đã ở lại nhiều ngày để tham quan, thưởng thức gà đồi, dê núi” – Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Quốc Lập trò chuyện.
Lễ hội Hải Thượng thu hút rất đông du khách gần xa
Trong câu chuyện của người đứng đầu huyện, tôi cảm nhận rõ niềm tự hào trong ông. Chẳng tự hào sao được khi miền quê ông ngày càng đổi thay, phát triển. Từ chỗ nhiều gia đình không đủ ăn, nay người dân Hương Sơn đã biết cách làm giàu từ chính tri thức bản địa. Mỗi gia đình đều tận dụng kiến thức, kinh nghiệm truyền thống để nuôi một vài con hươu, thả gà đồi.
Chẳng thế mà, mùa này không phải mùa của cây ngô nhưng ngô vẫn xanh bên triền sông là vậy (ngô dùng làm thức ăn cho hươu). Dọc các con đường, nhà hàng bán sản vật mọc lên hầu khắp. Cách khoảng vài ba chục cây số so với đảo chè ở Thanh Chương (Nghệ An), nhà hàng Thanh Quang ở thôn Hòa Tiến, Sơn Tiến nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh trở thành nơi du khách dừng chân thưởng thức gà đồi, dê núi.
Vừa tiếp khách, ông Trần Quang vừa tự hào: “Chúng tôi là người đầu tiên mở thương hiệu gà đồi ở Hà Tĩnh. Hồi đó, gà đồi chỉ có ở Hải Phòng. Hiện giờ, mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ hơn 1.000 con gà, vài chục con hươu”.
Tôi hiểu, ông nói ít nhưng làm được nhiều. Cơ ngơi vợ chồng ông đã nói lên tất cả. Đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, tôi được một người Hương Sơn nói về truông Bùng. Nghe bảo, thời trước vùng này xa xôi, người dân nghèo khổ, truông Bùng là nơi hổ thường mai phục bắt người. Dọc đường ấy, giờ không ai nhận ra dấu vết của nghèo khổ nữa.
Đua thuyền trên sông Ngàn Phố
Từ các cụm di tích về danh nhân Hải Thượng Lãn Ông, đường đến với các địa chỉ tâm linh, thắng cảnh ở Hương Sơn đã thay đổi từng ngày. Có người bảo, với việc đầu tư phát triển du lịch - tâm linh, kinh tế Hương Sơn đã có những đổi thay, nhất là tại các trục đường chính với những ki-ốt buôn bán, cây xăng, nhà nghỉ... Chỉ tính riêng lượng khách lưu trú tại Khu du lịch sinh thái Hải Thượng đã cho thấy nét phấn khởi.
“Bình quân mỗi ngày có 700 lượt khách đến đặt phòng, tham quan, thưởng thức ẩm thực dân gian… Những ngày lễ hội, bọn em có nhiều khách ở Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sài Gòn về đặt phòng; nhiều khách còn thuê xe đi lên vùng nước khoáng Sơn Kim” - chị Hồ Thị Tố Loan - Trưởng phòng Kinh doanh của Khu nghỉ dưỡng Hải Thượng trao đổi.
Từ Khu du lịch sinh thái Hải Thượng, để hiểu thêm về con người Hương Sơn có thể đến với đền Đức Mẹ thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh (Sơn Thịnh); đền Gôi Vị (Sơn Hòa) để hiểu thêm giá trị của lòng chung thủy, sự tuẫn tiết của bà Phan Thị Viên (vợ Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn). Từ Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông, du khách có thể ngược ngàn Cầu Treo để tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch sinh thái Nước Sốt Sơn Kim.
Qua trò chuyện với một lãnh đạo huyện, được biết, Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim với diện tích hơn 500 ha đang được xúc tiến để đầu tư mới với dự án tầm cỡ. Tin rằng, dự án ấy sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất để du lịch Hương Sơn càng khởi sắc, đóng góp lớn cho du lịch tỉnh nhà.