Sáng 11/7, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Sơn về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Dự làm việc có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng các ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành. |
Quyết tâm hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM trong năm 2021
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nguồn lực đầu tư hạn chế... đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân Hương Sơn.
Tuy nhiên, được sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện nhà nên công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế - xã hội đạt được kết quả khá quan trọng; quốc phòng - an ninh đảm bảo ổn định.
Đến nay, 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; cơ bản đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Trên lĩnh vực kinh tế, Hương Sơn đã phát huy được tiềm năng, lợi thế kinh tế vườn đồi, chăn nuôi. Đặc biệt, một số sản phẩm chủ lực của địa phương tăng so với cùng kỳ như: nhung hươu đạt 13,95 tấn (tăng 1,09%); cam 9.088 tấn (tăng 4,03%).
Thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ cử tri Hương Sơn đi bỏ phiếu đạt 99,89%; đảm bảo đủ số lượng, đúng cơ cấu với tỷ lệ khá cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn cũng đang còn những khó khăn, hạn chế như: Thu hút đầu tư và triển khai các dự án vào trên địa bàn có nhiều khó khăn, nhất là các khu công nghiệp, khu đô thị; một số tuyến đường giao thông xuống cấp; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, liên kết sản xuất còn thiếu bền vững…
Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Lê Trung Phước: Ban quản lý KKT tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương rà soát cụ thể các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Cầu Treo để có hướng xử lý phù hợp
Trên cơ sở đánh giá, nhìn nhận những tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, Hương Sơn tập trung quyết liệt công tác phòng chống, khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”; tiếp tục thu hút đầu tư, chỉ đạo các địa phương phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển các sản phẩm có liên kết bền vững và có lợi thế của huyện (hươu, chè, cam, gỗ nguyên liệu, mật ong, thịt dê,…) gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng thiết thực, hiệu quả; tập trung quyết liệt hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, đề xuất công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2021…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Hương Sơn cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất tỉnh quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ như: Hỗ trợ, giới thiệu các nhà đầu tư có năng lực trong sản xuất và chế biến nông, lâm sản (nhung hươu, trái cây, dược liệu), dệt may, du lịch, dịch vụ logistics, đầu tư vào khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nước khoáng Sơn Kim, nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và tiềm năng về đất đai, tài nguyên, lao động trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Thời gian tới, Hương Sơn cần có những giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể hơn để phát triển, nâng cao tỷ trọng TM-DV, du lịch trong cơ cấu kinh tế.
Rà soát cụ thể một số dự án trong Khu kinh tế Cầu Treo để có hướng xử lý phù hợp, tạo điều kiện để các dự án đi vào hoạt động hoặc chấm dứt, thu hồi quyết định đầu tư; cho chủ trương điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thị trấn Tây Sơn; quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Khe Cò; cho chủ trương thành lập Cụm công nghiệp Quang Diệm; đầu tư về mọi mặt cho các xã biên giới còn nhiều khó khăn...
Tại buổi làm việc, đại biểu đánh giá cao Hương Sơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thế mạnh kinh tế vườn đồi, chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực như: hươu, nhung hươu, cam, chè công nghiệp... đã được đầu tư, nâng cao về sản lượng, chất lượng, tạo giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh: Huyện cần lựa chọn những vấn đề, mục tiêu cụ thể; tập trung chống dịch gắn với xây dựng NTM, tập trung phát triển kinh tế vươn đồi; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Tuy nhiên, mặc dù địa phương có khá nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực TM-DV, du lịch còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới cần có những giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể hơn để phát triển, nâng cao tỷ trọng TM-DV, du lịch trong cơ cấu kinh tế.
Thời gian qua, Hương Sơn đã có những nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho người dân. Là địa bàn miền núi, biên giới, địa phương cần tăng cường quy chế phối hợp giữa các lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, từ đó ổn định phát triển kinh tế.
Thời gian qua, Đảng bộ Hương Sơn đã đoàn kết, thống nhất, Nhân dân đồng thuận; sức mạnh của cả hệ thống chính trị tiếp tục được phát huy. Thời gian tới, BTV Huyện ủy Hương Sơn tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đoàn kết, gắn kết trong hệ thống chính trị; Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không làm thay, chính quyền phải có nỗ lực, đột phá.
Cần tạo đột phá trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc thù
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng ghi nhận trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơn đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Đặc biệt, Hương Sơn đã phát huy được thế mạnh kinh tế vườn đồi, trang trại và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung cao cho xây dựng NTM và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí huyện NTM trong năm 2021.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao Hương Sơn trong việc huy động, tranh thủ được khá nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế và nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng chính sách. Trong đại dịch Covid-19, Hương Sơn cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội hoá phục vụ các khu cách ly tập trung và phối hợp, quản lý tốt người nhập cảnh trái phép. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung tay của toàn thể Nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ những hạn chế của Hương Sơn cần phải khắc phục như: Vai trò tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị huyện một số nơi chưa thực sự mạnh; sự điều hành của một số chính quyền cấp xã chưa quyết liệt; chưa tạo đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; một số nơi thiếu chủ động, thiếu linh hoạt, việc nắm tình hình cơ sở chưa tốt…
Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ băn khoăn khi địa bàn Hương Sơn mặc dù có sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao (cam bù, nhung hươu…) nhưng chủ yếu vẫn tiêu thụ ở mức hạn chế, chưa có sự đột phá vươn ra ở các siêu thị lớn hay xuất khẩu. Đây là điều mà cấp ủy, chính quyền cần phải trăn trở, tìm giải pháp đầu ra cho sản phẩm tốt hơn.
Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch sinh thái của Hương Sơn cũng chưa được phát huy hiệu quả; số doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, thu hút đầu tư đặc biệt là lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản còn hạn chế.
Định hướng thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, so với các huyện miền núi, Hương Sơn có nhiều tiềm năng lợi thế: Diện tích đất đai lớn, lợi thế về kinh tế vườn đồi, chăn nuôi và du lịch sinh thái. “Đề nghị huyện bám sát nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt phải bám sát 3 nhiệm vụ đột phá đã đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Áp dụng mạnh mẽ KHKT trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, đặc biệt phải có giải pháp mở rộng thị trường, và xuất khẩu; tập trung hoàn thiện tiêu chí NTM, trước mắt hoàn thành các tiêu chí mà nội lực trong dân thực hiện được như các tiêu chí về vệ sinh môi trường nhà ở, khu dân cư...” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Hương Sơn tiếp tục tập trung cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phối hợp với BQL Khu kinh tế tỉnh khảo sát, đề xuất xây dựng cảng cạn tại Khu kinh tế Cầu Treo. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý công việc phải năng động, sâu sát hơn; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình; phối hợp với các huyện nước bạn Lào xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định.
Về công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu BTV Huyện ủy Hương Sơn tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đoàn kết, gắn kết trong hệ thống chính trị.
Đối với các đề xuất, kiến nghị, Bí thư Tỉnh ủy giao các sở, ngành, cơ quan nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp xử lý.