Huyền thoại Mẹ…

(Baohatinh.vn) - Ở một đất nước từng chiến tranh liên miên như ở Việt Nam, đã có rất nhiều huyền thoại được viết nên bởi những con người bình dị. Và, có một huyền thoại đẹp hơn mọi huyền thoại, lung linh hơn mọi huyền thoại, lấp lánh đến muôn đời sau, chính là huyền thoại Mẹ…

Ở một đất nước từng chiến tranh liên miên như ở Việt Nam, đã có rất nhiều huyền thoại được viết nên bởi những con người bình dị. Và, có một huyền thoại đẹp hơn mọi huyền thoại, lung linh hơn mọi huyền thoại, lấp lánh đến muôn đời sau, chính là huyền thoại Mẹ…

Nhiều lần, khi hướng lòng mình vào sâu thẳm những mất mát, khổ đau của chiến tranh tôi lại không sao dứt ra được nỗi băn khoăn, rằng, liệu có ở đâu trên thế giới này có nhiều đến thế những bà mẹ xa lạ cùng viết nên một huyền thoại mang tên Mẹ như ở đất nước tôi? Câu hỏi ấy cứ cắt cứa trong lòng tôi không dứt khiến bước chân tôi cứ nôn nao muốn về bên các mẹ. Nhất là giữa mùa tri ân của cả dân tộc. Để được nghe nhiều hơn những câu chuyện quá khứ. Để lắng vào lòng mình nhiều thêm nữa những lớp lang cảm xúc, mà có lẽ chẳng có thời điểm nào lại dội về nhiều đến thế trong tâm tư các mẹ.

Sinh năm 1927, mẹ Đoàn Thị Bá ở thôn 2 xã Sơn Giang (Hương Sơn) đã không còn minh mẫn nữa. Cú ngã cách đây 2 năm đã lấy đi của mẹ quá nhiều thứ. Mẹ nằm một chỗ, lúc nhớ lúc quên. Những lúc tỉnh táo mẹ thường đòi chú Hà Huy Hoà (con trai út của mẹ) bồng mẹ ra ghế, lặng lẽ ngồi bên khung cửa sổ. Chú Hoà nói, những ngày tháng 7 này, có nhiều người đến thăm nên mẹ nhớ đến các anh. Nhiều lúc, trong cơn mê sảng mẹ vẫn gọi tên liệt sỹ Hà Huy Thú và liệt sỹ Hà Huy Vị và kêu “các con răng đi mô chưa về”, “răng các con lừa mẹ, nói đi rồi về”, “răng không ai đưa con tui về cả”…

Trong 2 người con đã hy sinh của mẹ, liệt sỹ Hà Huy Vị vẫn còn nằm lại đâu đó trên miền đất Tây Ninh. Bởi thế, mẹ Bá luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ nhung, lo lắng về khúc ruột của mình. Rằng nơi đó, anh có được khói hương đủ đầy không, có ấm áp không… Và, trong những buổi chiều nhung nhớ, mẹ thường ngồi bên khung cửa sổ, nhìn ra cây bông trang (mẫu đơn) trước ngõ. Đám hoa đỏ, trắng bung nở trong ánh nắng ban chiều ấy là điểm nhấn duy nhất để mẹ nhìn trong mênh mang, nhạt nhoà những quên nhớ của cuộc đời. Những bông hoa mẫu đơn ấy nói gì với mẹ, mẹ muốn gửi gắm điều gì với những bông hoa trước hiên nhà? Có lẽ nhiều lắm, tha thiết lắm nhưng cũng như bao năm tháng qua, mẹ đều nén giữ lại trong lòng như cất giấu những nỗi niềm thiêng liêng nhất…

Bạn bè tôi – những người thuộc thế hệ bản lề của thời kỳ chiến tranh và hoà bình thường nói với nhau, chắc chẳng có nơi nào như ở Việt Nam, xã nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có đài tưởng niệm, cũng có nghĩa trang liệt sỹ. Địa phương nào cũng có các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là sự phản ánh về những đau thương, mất mát của chiến tranh đồng thời cũng nói với hậu thế về truyền thống yêu nước nồng nàn, về đức hy sinh cao cả của những bà mẹ Việt. Và, ở đó, người ta cũng nhìn thấy lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ cháu con đối với sự hy sinh của người đi trước.

Chị Lê Thị Kim Nhung – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Sơn nói với tôi rằng, khi chị đảm nhận vị trí công việc này chị mới cảm nhận đủ đầy nhất về tấm lòng tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ. Ở địa bàn của chị có 224 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng, trong số đó chỉ có 9 mẹ còn sống. Rất mừng là cả 9 mẹ đều được nhiều đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Trong đó, sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên, tận tình của các tổ chức, đoàn thể xã hội đã động viên tinh thần các mẹ rất nhiều trong buổi xế bóng của cuộc đời…

Là một trong những bà mẹ Việt Nam anh hùng may mắn được sống vui vầy cùng con cháu, mẹ Lê Thị Tuyết ở thôn Sinh Cờ xã Sơn Châu (Hương Sơn) vẫn đều đặn nhận được sự quan tâm của các cơ quan khối dân huyện Hương Sơn. Cuộc đời mẹ tuy giản dị và nhiều khúc ngoặt nhưng lại đẹp như một bài ca. Một bài ca được viết nên bởi những giai điệu chan chứa yêu thương. Sau khi người chồng của mẹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mẹ đã vì thương cảm 2 đứa nhỏ mồ côi mẹ mà tái giá với một người đàn ông xã bên. Mẹ nuôi nấng, chăm bẵm con chồng như con mình từ lúc 2 con còn nhỏ. Lớn lên trong buổi chiến chinh, anh Văn Đình Đậu sớm lên đường nhập ngũ và không may đã hy sinh trong một trận chiến ở chiến trường miền Nam năm 1967.

Ngày nhận giấy báo tử, lòng mẹ đau như cắt bởi mọi lời nguyện cầu bình an cho anh đã không thấu trời xanh. Mẹ nói, mẹ thương anh nhiều hơn những đứa con mẹ dứt ruột đẻ ra bởi anh thiệt thòi hơn các con của mẹ. Khi tất cả đều đi xa mẹ cũng dành nỗi nhớ cho anh nhiều hơn. Sau cuộc chiến, mẹ đã cùng các con đi tìm mộ anh khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng đến nay vẫn biệt vô âm tín. Bây giờ mẹ đã già rồi. Tóc đã bạc màu mây, chân đi không còn vững nữa. Các con của mẹ vẫn bôn ba đi tìm anh. Còn mẹ, mẹ chỉ biết gửi niềm thương, nỗi nhớ của mình vào cao xanh…

Ngồi với mẹ trong căn phòng nhỏ, nắm đôi tay gầy khô mòn của mẹ, nghe rõ tiếng mạch máu đập nhẹ sau làn da đã trong veo của mẹ, tôi cứ mường tượng về những đêm mẹ rưng rưng lần giở di ảnh của chồng, con mình. Bàn tay năm xưa ôm đầy yêu thương giờ đây hao mòn trong thương nhớ, ngóng đợi… Chị Trần Thị Hồng - con dâu út của mẹ kể rằng, thời trẻ, mẹ không chỉ nuôi con chồng, con mình mà còn nuôi cả 2 đứa con của bác khi cha chúng mất và mẹ chúng đi lấy chồng. Tình yêu của mẹ san đều cho cả 6 đứa trẻ. Mẹ chính là tấm gương về lòng nhân hậu, bao dung để chị và con cái của chị học tập…

Trong hành trình đến với huyền thoại của thời đại, tôi đã gặp rất nhiều các mẹ Việt Nam anh hùng ở nhiều miền quê khác nhau. Các mẹ dẫu ở miền biển hay miền rừng, sống cô đơn hay vui vầy bên con cháu, còn khoẻ hay đã yếu, còn mẫn tiệp hay trí nhớ đã nhoà phai… đều chung một nỗi niềm thương nhớ những đứa con đi xa không trở về. Nỗi niềm nào cũng khiến chúng tôi day dứt khôn nguôi. Tâm tư nào cũng khiến chúng tôi cuộn dâng niềm xúc động và cứ muốn trở lại bên các mẹ để chuyện trò, để lắng nghe…

Trở lại nhà mẹ Nguyễn Thị Ngụ thôn Triều Đông xã Bùi Xá (Đức Thọ) giữa một ban trưa mưa tầm tã chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Mẹ Ngụ lúc ấy đang ngồi bên thềm vắng, trong tay là di ảnh liệt sỹ Nguyễn Viết Hồng. Liệt sỹ Nguyễn Viết Hồng là người con duy nhất của mẹ, vừa cao to đẹp trai lại vừa học giỏi nổi tiếng. Bức ảnh chụp anh nghiêng nghiêng trong trang phục của một phi công là bức ảnh duy nhất mà mẹ có về “núm ruột” của mình.

Liệt sỹ Nguyễn Viết Hồng hy sinh trong một chuyến bay huấn luyện ở vùng trời Đà Nẵng. Ấy là mùa hè năm 1986, trong lúc anh chuẩn bị lập gia đình và sự nghiệp đang bước vào độ chín. Không gì có thể diễn tả hết nỗi đau đớn trong lòng mẹ lúc ấy. Người ta hy sinh trong chiến tranh đã đành, đằng này con trai mẹ lại hy sinh giữa thời bình. Mẹ như đứt từng khúc ruột. Nhưng rồi mẹ vẫn phải mạnh mẽ, phải sống để còn chăm sóc mộ phần cho anh.

Mẹ nói, hồi mộ anh còn ở Đà Nẵng mẹ ăn ngủ không yên, lúc nào cũng chập chờn thương nhớ. Bây giờ, đưa anh về quê rồi, mẹ con có nhau, bất kỳ lúc nào nhớ anh, mẹ đều có thể ra nghĩa trang thăm anh, nói chuyện với anh. Bây giờ, mẹ có nhắm mắt xuôi tay mẹ cũng an lòng… Là mẹ nói vậy thôi nhưng trong mỗi nét hằn gấp trên khuôn mặt mẹ, trong ánh mắt mờ đục của mẹ, tôi vẫn cảm nhận một nỗi niềm cô đơn chôn sâu trong đó. Mẹ cô đơn hơn hàng ngàn lần tôi nghĩ. Khoảng trống trong lòng mẹ, không ai và không điều gì có thể lấp đầy được nữa…

Chiến tranh và những vết thương của chiến tranh đã dần phai nhoà trên gương mặt quê hương nhưng nỗi đau trong lòng mẹ vẫn không thôi cắt cứa. Giữa mùa tri ân, về với các mẹ, tôi cứ rưng rưng khi nghĩ về câu hát của cố nhạc sỹ Xuân Hồng: “Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi, mây khói tan rồi còn lại mẹ thôi”. Một huyền thoại đã được viết nên bằng đức hy sinh cao cả của hàng triệu bà mẹ. Một huyền thoại đã được kết nên bằng muôn vàn câu chuyện giản dị, gần gũi mà vô cùng lớn lao. Để mãi mãi, hậu thế luôn khắc sâu vào lòng mình hình bóng anh hùng của người mẹ Việt…

Thiết kế: huy tùng

Kỹ thuật: Công ngọc

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói