Dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, gia đình ông Trần Diêu (SN 1943), thương binh hạng 4/4, ở thôn Minh Vượng, xã Vượng Lộc (Can Lộc) rất phấn khởi vì được ở trong căn nhà mới khang trang. Ngôi nhà có diện tích gần 50m2 với tổng trị giá gần 200 triệu đồng, trong đó Ngân hàng Vietcombank hỗ trợ 70 triệu đồng, còn lại do gia đình vay mượn, anh em, xóm làng hỗ trợ thêm ngày công, tiền bạc.
Bà Ngô Thị Long (vợ ông Trần Diêu) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đau ốm liên miên, riêng chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo nằm một chỗ nên dường như ước mơ về một ngôi nhà vững chắc tránh được mưa nắng là điều khó thực hiện. Được cấp uỷ, chính quyền và nhà tài trợ hỗ trợ xây ngôi nhà mới, vợ chồng tôi mừng lắm. Có nhà kiên cố để an dưỡng tuổi già giúp vợ chồng tôi vơi bớt gánh nặng, là động lực để con cái vươn lên trong cuộc sống”.
Liệt sĩ Nguyễn Thị Liệu (SN 1947, quê quán xã Thạch Hưng, huyện Thạch Hà, nay thuộc TP Hà Tĩnh). Năm 1967, khi tròn 20 tuổi, bà tham gia lực lượng TNXP. Năm 1968, bà Liệu đã anh dũng hy sinh tại cầu Phủ (TP Hà Tĩnh ngày nay) khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên tuyến đường huyết mạch nối 2 miền Bắc - Nam. Sau khi liệt sĩ Nguyễn Thị Liệu hy sinh, gia đình đã được nhận bằng Tổ quốc ghi công. Do quá trình cất giữ, bảo quản thời gian lâu dài bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Thị Liệu bị mục nát, hư hỏng.
Là người thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Thị Liệu, ông Nguyễn Song Toàn (em trai liệt sĩ Liệu) đã làm thủ tục hồ sơ xin cấp lại bằng Tổ quốc ghi công. Sau một thời gian chờ đợi, tâm nguyện của gia đình ông Toàn đã thành hiện thực.
Trong tháng 7/2024, cùng với 80 thân nhân liệt sĩ trên toàn tỉnh, gia đình ông Toàn đã được cấp ủy, chính quyền xã Thạch Hưng, Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh đến tận nhà trao bằng Tổ quốc ghi công cấp đổi lại.
Ông Nguyễn Song Toàn cho biết: “Tôi vui lắm và gửi lời cảm ơn các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành LĐ-TB&XH hỗ trợ quá trình giải quyết hồ sơ để hôm nay, gia đình được đón nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công mới rất cao quý này”.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về ưu đãi người có công. Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, thực hiện chế độ chính sách cho 303.379 người có công, thân nhân người có công với cách mạng; chi trả trợ cấp hằng tháng cho 39.133 người; trợ cấp 1 lần 89.000 người với số tiền hơn 500 tỷ đồng.
Cùng đó, tổ chức các đợt điều dưỡng tập trung, điều dưỡng tại gia đình cho người có công; đầu tư nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sỹ, mộ liệt sỹ; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ...
Với nhiều cách làm quyết liệt, sáng tạo, thời gian qua, Hà Tĩnh đã huy động các nguồn hỗ trợ cho hơn 1.200 đối tượng người có công xây nhà ở kiên cố với mức hỗ trợ từ 70-80 triệu đồng/nhà theo Quyết định số 22-QĐ/TU, Quyết định số 630-QĐ/TU của BTV Tỉnh uỷ.
Hằng năm, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm; nhận phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng… phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng.
Từ năm 2022 đến nay, quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động được số tiền 16,518 tỷ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo (hiện có 20 mẹ còn sống); 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống tại nơi cư trú.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Hà Tĩnh đã, đang triển khai nhiều việc làm ý nghĩa, như: tổ chức các đoàn thăm, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu; dâng hương tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ, nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ trong toàn tỉnh... Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, người có công gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; tiếp tục thực hiện việc điều dưỡng tập trung người có công; triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng và Nhà nước...
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Cùng với việc bảo đảm kịp các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công trên địa bàn, huyện Can Lộc cũng triển khai hiệu quả các chương trình như: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng... Các phong trào đều có sự lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công”.
Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và các nghị định của Chính phủ, đặc biệt chú trọng rà soát các hồ sơ đề nghị hưởng chính sách thương bệnh binh, phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng, cấp bằng Tổ quốc ghi công, xác nhận liệt sĩ để tháo gỡ những vướng mắc và xử lý dứt điểm; triển khai hiệu quả Nghị định 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/7/2024 sửa đổi Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng để cho đối tượng nhận chế độ kịp thời nhất.
Đồng thời, ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách đối với người có công theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là các chính sách hỗ trợ cải thiện đời sống, thu nhập cho người có công và các chính sách khác; tiếp tục phối hợp với MTTQ tỉnh, các đoàn thể huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công.