Huyndai ra mắt taxi bay 193 km/h cất hạ cánh thẳng đứng

Mẫu taxi bay mới cất hạ cánh thẳng đứng hoạt động êm hơn nhiều so với trực thăng, bay hành trình ở 193 km/h và quãng đường di chuyển từ 40 đến 64 km.

Huyndai ra mắt taxi bay 193 km/h cất hạ cánh thẳng đứng

SA-2 chỉ phát ra tiếng ồn 45 dB khi bay. Ảnh: Supernal

Mẫu taxi bay điện 4 chỗ cất hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2028. Phương tiện SA-2 do chi nhánh Supernal của Hyundai sản xuất sẽ bắt đầu bay thử nghiệm cuối năm nay, theo chia sẻ của đại diện công ty tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2024, Live Science 22/1 đưa tin.

Một số nhà sản xuất đã chế tạo những mẫu eVTOL có thể hoạt động trong vài năm qua, bao gồm NeXt của Boeing, CityAirbus NextGen của Airbus và vol.2 của Honda. Các phương tiện này phụ thuộc vào hệ thống đẩy điện phân tán (DEP), tức nhiều motor điện và cánh quạt trên khắp bộ khung, theo Simay Akar ở Viện kỹ sư điện và điện tử. Tương tự, mẫu taxi bay của Supernal cất cánh nhờ 8 rotor nghiêng phân bố khắp thân, sản sinh đủ lực đẩy cần thiết cho chuyến bay.

"Dù chắc chắn cần thời gian để eVTOL hoạt động bằng DEP trở nên phổ biến, chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong giao thông đô thị tương lai. Nhưng vài thứ bao gồm khung pháp lý và công nghệ tốt hơn, cần đạt được trước khi điều đó xảy ra", Akar nói.

SA-2 được thiết kế để bay hành trình ở 193 km/h tại độ cao 457 m và hoàn thành chuyến bay với quãng đường từ 40 đến 64 km. Phương tiện phát ra tiếng ồn ở 65 decibel (dB) khi cất cánh và hạ cánh trong khi âm lượng giữa chuyến bay ở mức tối đa là 45 dB, khiến nó êm hơn so với trực thăng (93 - 108 dB), theo Cục quản lý hàng không liên bang (FAA).

Hiện nay, Supernal đang lên kế hoạch bay thử nghiệm cuối năm nay. Công ty cũng dự định nộp hồ sơ cho FAA trong năm nay trước khi xin giấy phép bay đặc biệt vào năm 2025. Quá trình thử nghiệm kỹ hơn sẽ bắt đầu năm 2027. Hyundai vẫn nhắm tới năm 2028 để sản xuất hàng loạt mẫu taxi bay, nhưng phương tiện giao thông công cộng này có thể đi vào hoạt động hay không vẫn còn phụ thuộc vào tình trạng pháp lý của eVTOL.

Theo Akar, việc ứng dụng rộng rãi eVTOL còn phụ thuộc một số công nghệ bao gồm mật độ năng lượng pin, motor, hiệu quả thiết bị điện tử, quản lý nhiệt và trọng lượng. Các nhà làm luật trên khắp thế giới đang cân nhắc độ an toàn và vấn đề liên quan tới không lưu. Hồi tháng 8/2023, Cơ quan an toàn hàng không Liên minh châu Âu ban bố một loạt quy định đề xuất để vận hành an toàn eVTOL ở châu Âu. Tháng 7/2023, FAA cũng công bố kế hoạch giới thiệu dịch vụ taxi bay trên khắp nước Mỹ, hướng tới bắt đầu bay thương mại vào năm 2028, dựa trên sáng kiến Innovate28.

Theo Supernal, trọng tâm thiết kế đối với SA-2 là độ an toàn, bền vững và sự thoải mái của hành khách. Máy bay được chế tạo dựa trên SA-1, một nguyên mẫu từng được trưng bày ở CES 2020 nhưng có một số khác biệt chủ chốt. Concept mới vẫn giữ hệ thống đẩy điện phân tán như bản tiền nhiệm nhưng số lượng rotor nghiêng tăng gấp đôi từ 4 lên 8. 4 cánh quạt ở mép sau của phần cánh dài hơn 15 m nghiêng chếch xuống dưới để tạo ra lực đẩy cho chuyến bay thẳng đứng, còn 4 cánh quạt ở mép trước nghiêng hướng lên. Mỗi rotor nghiêng sẽ cung cấp lực cho taxi bay trong tất cả giai đoạn bay từ cất cánh thẳng đứng tới bay hành trình theo phương ngang.

Bộ khung mới chắc chắn của SA-2 dài khoảng 10 m cũng giữ lại thiết kế đuôi chữ V khác thường của SA-1. Đuôi chữ V thay thế thiết kế kiểm soát đuôi theo phương dọc và ngang truyền thống bằng bộ phận hình chữ V kết hợp chức năng của cả cánh lái hướng và lái độ cao, giúp giảm lực cản. Một số mẫu máy bay khác cũng sử dụng đuôi hình chữ V là Beechcraft Bonanza và Cirrus Vision Jet SF50.

Theo Supernal, hình dáng tối giản gọn mắt của mẫu taxi bay chịu ảnh hưởng của thiết kế xe hơi. Hệ thống đèn thay đổi giữa các giai đoạn bay khác nhau cung cấp cả hiệu ứng thẩm mỹ và dấu hiệu trực quan cho hành khách. Cả khoang lái và thân phương tiện đều bao bọc bởi cửa sổ kính, đem đến cho phi công và hành khách tầm nhìn toàn cảnh. Supernal cũng hướng tới tính linh hoạt với SA-2. Khả năng thay đổi cấu hình cabin để chở khách hoặc hàng hóa và nâng cấp module pin khi cải tiến thiết kế cũng nằm trong dự tính của công ty.

Supernal đang chuẩn bị tích hợp dữ liệu thời tiết theo thời gian thực trong nỗ lực đưa mẫu eVTOL vào hoạt động thương mại năm 2028. Công ty đang đầu tư vào TruWeather Solutions để có thể tận dụng công nghệ dự báo và phân tích dữ liệu thời tiết V360° của họ, hỗ trợ các chuyến bay cao cấp ở những thành phố như Miami. Supernal sẽ sử dụng hệ thống V360° trên phương tiện 4 chỗ đang phát triển của công ty. Điều này sẽ cung cấp cho đội vận hành hiểu biết bao quát về thời tiết ở độ cao thấp, cho phép họ đánh giá và dự đoán chính xác hơn các điều kiện ở những địa điểm chủ chốt và dọc đường bay.

Theo TruWeather Solutions, công nghệ của họ sẽ đem đến cho nhà vận hành eVTOL tầm nhìn 360 độ về sức gió và cập nhật thời tiết 15 phút một lần ở độ phân giải ở mức “vài chục mét” quanh các bãi đáp. Dọc hành lang bay, mô hình có thể giúp theo dõi luồng gió, yếu tố quan trọng để vận hành an toàn trong môi trường đô thị. Độ phân giải một kilomet dọc đường bay của họ tốt hơn nhiều so với mức 2,5 km ở những ứng dụng hàng không thương mại hiện nay.

Theo VNE

Đọc thêm

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

4 công trình đến từ 10 nhà khoa học trên thế giới đã vượt qua gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 4,5 triệu USD. Nhiều công trình, từ ý tưởng đến giải thưởng danh giá là quãng thời gian gần cả đời người với hành trình kiên trì vượt qua thử thách, định kiến và cả những thất bại để tận hiến cho khoa học và sự tiến bộ nhân loại.
Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.