Hy vọng phát triển siêu vaccine từ những người từng nhiễm SARS

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng những người từng khỏi bệnh SARS ở Singapore gần 2 thập kỷ trước có thể giúp phát triển một loại siêu vaccine chống lại các biến thể COVID-19 mạnh và thậm chí cả các loại virus Corona khác.

Hy vọng phát triển siêu vaccine từ những người từng nhiễm SARS

Một lọ vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer được trưng bày tại Singapore. Ảnh: Reuters

Theo tờ NikkeiAsia, các nhà khoa học tại Trường Y tế Duke, Đại học Quốc gia Singapore (Duke-NUS) và Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NCID) đã tìm thấy “kháng thể chức năng mạnh” ở những người từng mắc chứng hô hấp cấp nghiêm trọng SARS đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.

Trong phát hiện được công bố trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học cho biết những kháng thể này “có khả năng vô hiệu hóa không chỉ tất cả các biến thể SARS-CoV-2 đã biết mà còn cả các loại virus Corona ở động vật khác có khả năng lây lan cho con người”. SARS-CoV-2 là virus gây bệnh COVID-19.

Các phát hiện cho thấy trước khi được tiêm chủng, những người từng nhiễm SARS không có hoặc chỉ có kháng thể trung hòa với COVID-19 ở mức độ thấp. Sau khi tiêm 2 mũi vaccine Pfizer, tất cả những từng nhiễm SARS trong nghiên cứu đều có mức độ kháng thể cao ngăn ngừa bệnh COVID-19, cũng như một kháng thể phổ rộng có thể ngăn ngừa 10 loại virus lây nhiễm qua đường hô hấp khác.

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này “lần đầu tiên chứng minh phản ứng trung hòa chéo ở người”. Điều này làm tăng hy vọng phát triển một giải pháp hiệu quả hơn nhằm ngăn ngừa các loại virus Corona khác nhau.

Các nhà khoa học hiện đang tiến hành nghiên cứu để phát triển một loại vaccine thế hệ thứ ba, cũng như các kháng thể trung hòa phổ rộng có thể ngăn ngừa và điều trị các loại bệnh do virus Corona khác nhau gây ra. Đồng thời, họ cũng muốn kêu gọi những người đã khỏi bệnh SARS tham gia thử nghiệm. Hy vọng rằng dữ liệu về những người từng nhiễm SARS được tiêm vaccine Pfizer có thể được sử dụng để phát triển các loại vaccine hiệu quả hơn.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra một chiến lược mới để phát triển vaccine thế hệ tiếp theo, không chỉ giúp kiểm soát đại dịch COVID-19 hiện tại, mà còn có thể ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai do các virus liên quan gây ra”, Wang Linfa, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Duke-NUS, cho biết

Hy vọng phát triển siêu vaccine từ những người từng nhiễm SARS

Nhân viên y tế xét nghiệm SARS cho những người lái xe ô tô tại cửa khẩu biên giới giữa Singapore và Malaysia năm 2003. Ảnh: Reuters

Phó giáo sư David Lye, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đào tạo về Bệnh Truyền nhiễm của NCID cho biết: “Các biến thể mới xuất hiện đang được quan tâm đã chứng minh khả năng tránh miễn dịch ở mức độ nào đó đối với vaccine thế hệ đầu tiên”. Việc phát hiện ra các kháng thể ở bệnh nhân SARS được tiêm vaccine Pfizer “có khả năng giải quyết vấn đề đó, khi thế giới tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng để thoát khỏi đại dịch”.

Gần hai thập kỷ trước khi COVID-19 xuất hiện và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, làn sóng dịch SARS đã quét qua châu Á và nhiều quốc gia khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Singapore đã ghi nhận 238 ca nhiễm trong đợt dịch năm 2003, với 33 ca tử vong. Tổng cộng có đến 8.096 người được chẩn đoán nhiễm SARS trên toàn thế giới từ cuối năm 2002 đến giữa năm 2003, với 774 người tử vong vì đợt dịch này.

Dù các cơ quan y tế trên thế giới đã nỗ lực kiểm soát SARS, nhưng đại dịch COVID-19 xảy đến và đã chứng minh là một “đối thủ” khó đánh bại hơn nhiều. Kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, virus Corona mới đã sinh ra nhiều đột biến nguy hiểm, làm gia tăng khó khăn trong việc dập tắt đại dịch. Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ được đánh giá là khó kiểm soát hơn gấp 10 lần so với biến thể virus ban đầu. Biến thể virus này đang làm các ca bệnh “trỗi dậy” trên toàn cầu, khiến một số nhà chức trách phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế và phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt.

Singapore, quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số, đang thúc đẩy tỉ lệ tiêm chủng cao để tiến tới kế hoạch “sống chung với COVID-19”. Nhưng ở nhiều quốc gia khác, các trường hợp “nhiễm đột phá” đã được ghi nhận ở những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine, làm dấy lên lo ngại rằng các loại vaccine hiện tại có thể không đủ để chấm dứt hoàn toàn cuộc khủng hoảng y tế này.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.