Một tòa nhà ở tỉnh Aceh bị hư hỏng nặng sau động đất - Ảnh: AFP |
Đến trưa 7-12, Tờ The Guardian dẫn lời ông Aiyub Abbas - người đứng đầu huyện Pidie Jaya, cho biết số người chết do động đất đã tăng lên 54 người. Ông cũng xác nhận hàng trăm người dân ở huyện này bị thương và hàng chục tòa nhà bị sập.
Thiếu tướng Tatang Sulaiman - người phát ngôn quân đội Indonesia, cũng xác nhận con số trên, đồng thời cho biết trong số 54 nạn nhân thiệt mạng, có 52 người ở huyện Pidie Jaya - nơi nằm gần tâm chấn nhất, và hai người khác ở huyện Bireuen.
Các quan chức cũng cho hay trong số người thiệt mạng, có 7 trẻ em.
"Các bệnh viện ở đây không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân, vì vậy chúng tôi đã chuyển một số nạn nhân sang các huyện lân cận", một quan chức huyện Pidie Jaya nói.
Sáng cùng ngày, CNN dẫn thông tin từ tổ chức Chữ Thập Đỏ Aceh cho biết ít nhất 25 người chết, trong khi BBC cũng dẫn nguồn tin các quan chức xác nhận đã có 24 người chết.
Trước đó, tin từ quan chức địa phương xác nhận có 18 người chết. Tuy nhiên, Tổ chức Chữ thập đỏ nói đã có 20 người chết và hàng chục người bị thương.
Ông Rudianto - người đứng đầu Tổ chức Chữ thập đỏ Indonesia ở Aceh, cho biết một số tòa nhà bị san phẳng hoàn toàn.
"Hiện chúng tôi đang cố gắng sơ tán một gia đình ba người bị mắc kẹt dưới căn nhà sập", quan chức Said Mulyadi nói. "Chúng tôi đang điều trị cho các bệnh nhân ở ngoài trời và đang dựng lều tạm".
Một người bị thương đang được điều trị - Ảnh: BNPB/Twitter |
Động đất xảy ra sáng 7-12, cường độ 6.5 độ Richter, tâm chấn khá cạn, nằm ở phía bắc thị trấn Reuleuet, tỉnh Aceh, theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều tòa nhà trở thành đống đổ nát, cột điện đổ và mọi người tụ tập dưới đường.
Các quan chức cho biết ít nhất 4 người chết và hàng chục người được lo ngại là đang bị mắc kẹt trong các ngôi nhà bị sập. Tuy nhiên một số nguồn tin nói đã có ít nhất 18 người chết.
"Nhiều ngôi nhà và cửa hàng buôn bán bị sập ở huyện Pidie Jaya. Chủ những ngôi nhà này vẫn đang bị mắc kẹt", ông Achmad - giám đốc cơ quan ứng phó thiên tai địa phương, nói với AFP.
"Chúng tôi hiện đang triển khai các máy móc hạng nặng đến giúp. Hi vọng chúng tôi có thể cứu được những người đang bị mắc kẹt", ông nói.
Các quan chức cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý cho biết trận động đất được cảm thấy ở hầu khắp tỉnh Aceh, nơi bị tàn phá nặng nề trong trận động đất gây sóng thần tàn phá quy mô lớn ở Ấn Độ Dương năm 2004.
Cơ quan quốc gia về quản lý thiên tai của Indonesia (BNPB) cũng xác nhận nhiều tòa nhà bị động đất làm hư hại và các y bác sĩ đang nỗ lực điều trị cho những người bị thương.
Tại thị trấn Sigli, mọi người hoảng sợ bỏ chạy ra khỏi nhà và tìm nơi trú ẩn cách xa bờ biển. "Chúng tôi đang di tản đến Tijue (cách Sigli khoảng 3km) vì sợ sóng thần", một người dân tên Nilawati cho biết.
Ông Hasbi Jaya, 37 tuổi, một nạn nhân sống sót, cho biết gia đình ông đang ngủ thì động đất xảy ra.
"Chúng tôi lập tức chạy ra ngoài nhà nhưng nó đã sập. Tất cả mọi thứ từ mái cho đến sàn nhà đều sụp đổ và đã bị phá hủy", ông nói.
"Tôi nhìn quanh và thấy toàn bộ nhà của láng giềng mình cũng bị phá hủy hoàn toàn".
Tại huyện Pidie, tin cho biết điện đã bị cắt còn tại huyện Bireuen, một trường đại học đã bị động đất làm hư hại.
Ít nhất năm dư chấn đã được ghi nhận sau động đất.
Tại Úc, Cơ quan nghiên cứu động đất cho biết trận động đất ở Indonesia rất mạnh, có thể được cảm nhận từ nơi nằm cách đó 836 km, nhưng không gây nguy cơ sóng thần đe dọa đất liền Úc.
Cơ quan này cũng nhận định thiệt hại do trận động đất có thể kéo dài 67 km từ tâm chấn.
Người dân tụ tập trước một tòa nhà bị sập động đất ở thị trấn Pidie, tỉnh Aceh - Ảnh: AFP |
Clip thiệt hại do động đất được chia sẻ trên mạng xã hội - Nguồn: YOUTUBE |
Hình ảnh thiệt hại ở Pidie Jaya, Aceh sau trận động đất sáng 7-12 - Ảnh: Sutopo Purwo Nugroho |
Người dân chạy tránh xa bờ biển sau động đất - Ảnh: TWITTER |
Hình ảnh nhà sập do động đất được chia sẻ trên mạng xã hội - Ảnh: TWITTER |
Hình ảnh nhà sập do động đất được chia sẻ trên mạng xã hội - Ảnh: TWITTER |
Bản đồ nơi xảy ra động đất - Ảnh: USGS |