Israel tấn công Syria bằng tên lửa đất đối đất, lo ngại xung đột leo thang

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bắn tên lửa đất đối đất từ Cao nguyên Golan vào các vị trí quân sự ở thị trấn Zakia, phía Nam thủ đô của Syria, vào đêm 16/2.

Hãng thông tấn Arab Syria (SANA) dẫn nguồn Tư lệnh Quân đội Syria cho hay, vụ tấn công không gây thương vong về con người, chỉ gây thiệt hại nhẹ về cơ sở hạ tầng.

Theo Đài Sputnik, tuần trước, IDF đã tiến hành không kích vào các hệ thống tên lửa và radar ở miền Nam Syria, với tuyên bố là nhằm đáp trả việc một tên lửa phòng không của Syria bay vào lãnh thổ Israel.

Israel thường phóng tên lửa không đối đất nhằm vào các mục tiêu tại Syria và đấy là lần hiếm hoi Israel sử dụng tên lửa đất đối đất để tấn công.

Vụ tấn công tên lửa thứ hai trong tháng của Israel nhằm vào Syria xảy ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vừa đến Damascus hôm 15/2.

Chương trình làm việc của ông Shoigu bao gồm hội đàm với Tổng thống Bashar al-Assad và tới thăm căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở phía Tây Syria.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine.

Theo bộ trên, trong cuộc gặp ở Damascus, ông Shoigu đã thông báo với Tổng thống Syria về các cuộc tập trận của Hải quân Nga ở phía Đông Địa Trung Hải.

Syria chưa bao giờ công nhận sự tồn tại của Israel là hợp pháp và hai quốc gia này vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ khi Israel thành lập năm 1948.

Năm 1967, Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc Chiến tranh 6 ngày và tuyên bố sát nhập Golan năm 1981. Liên hợp quốc đã lên án hành động này là bất hợp pháp và yêu cầu Tel Aviv trả lại Cao nguyên Golan cho Syria.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.