K2 “Báo đen” - siêu tăng chủ lực của Hàn Quốc

Kết hợp ưu điểm của các dòng tăng tiên tiến, K2 “Báo đen” Hàn Quốc được coi là “ông vua” trong làng tăng Châu Á.

"Kiệt tác quân sự" tích hợp các công nghệ hiện đại bậc nhất

Nhằm thay thế số tăng M48 Patton và bổ sung cho dòng tăng chiến đấu K1 đang có trong trang bị của quân đội Hàn Quốc, từ năm 1995, với chi phí 260 triệu USD, Viện nghiên cứu Khoa học Quốc phòng Hàn Quốc và tập đoàn Hyundai Rotem đã phát triển xe tăng chủ lực K2 Black Panther (Báo đen) từ biến thể cải tiến Abrams K1 (Mỹ), với nguyên mẫu được ra mắt vào năm 2007 và bắt đầu sản xuất loạt từ năm 2013. Tham khảo các mẫu thiết kế và công nghệ trên thế giới, Hàn Quốc đã thành công khi tạo ra một chiến xa đầy uy lực mang bản sắc riêng.

K2 “Báo đen” - siêu tăng chủ lực của Hàn Quốc

Cơ số đạn chiến đấu của K2. Ảnh: kratko-news.com

Thiết kế K2 trên lý thuyết được cho là tương đương, thậm chí nhỉnh hơn các xe tăng hiện đại của NATO. K2 có phần khung gầm tương tự M1 Abrams, thiết kế tháp pháo tương đối lạ và chưa từng thấy trên các xe tăng trước đó, sử dụng giáp phức hợp với cấu tạo được giữ bí mật. Phần trước xe có thể chịu được đạn xuyên động năng từ pháo L55 ở tầm gần, các bộ phận dễ bị tấn công ở bên sườn và nóc xe được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) hoặc không nổ (NERA), chịu được sức công phá của đạn xuyên giáp 125 mm.

K2 dài 10 m, rộng 3,6 m, cao 2,5 m, có trọng lượng 55 tấn (nhẹ hơn xe M1A2 hoặc Leopard 2A6 10 tấn); dự trữ hành trình khoảng 480 km; kíp xe 3 người. K2 sử dụng động cơ diesel MTU MB-883 Ka500 công suất 1.500 mã lực, có tốc độ tối đa 70 km/h trên đường nhựa, 50 km/h trên đường gồ ghề, có thể leo dốc 60 độ và chướng ngại vật thẳng đứng cao 1,8 m.

K2 có thể đi ngầm dưới đáy sông sâu tới 4,1 m nhờ hệ thống thông khí đặc biệt để vượt qua sông mà không có cầu phao hay phà hỗ trợ (thời gian chuẩn bị khoảng 20-30 phút), có khả năng bắn khi đang bơi với độ ổn định cao (trong khi K1 chỉ vượt được suối sâu 2 mét sau 2 giờ chuẩn bị và có sự trợ giúp từ bên ngoài). Ngoài động cơ MTU, K2 được lắp thêm một động cơ tua-bin khí có công suất 100 mã lực (75 KW) nhằm cung cấp năng lượng cho các hệ thống trên xe khi tắt động cơ chính, giúp tiết kiệm nhiên liệu khi chạy không tải, giảm thiểu dấu hiệu hồng ngoại và âm thanh.

K2 “Báo đen” - siêu tăng chủ lực của Hàn Quốc

K2 thực hành vượt sông. Ảnh: Quân đội Hàn Quốc.

Dù chịu ảnh hưởng của các thiết kế nước ngoài, K2 cũng có một số điểm mới đáng chú ý. Cơ cấu treo tay trong (ISU) đặc biệt của K2 cho phép hạ thấp hoặc nâng cao gầm xe theo mọi hướng để có thể "ngồi", "đứng" và "quỳ", cũng như "nghiêng" về một phía hoặc một góc - dễ dàng ẩn náu trong phòng thủ, tăng khả năng việt dã ở địa hình gồ ghề… hay nâng pháo lên tới 24 độ (như súng cối), cho phép tấn công quỹ đạo cong mục tiêu trực thăng lơ lửng cách xa 5 km - điều mà rất ít xe tăng trên thế giới có thể làm được.

K2 là xe tăng duy nhất được tích hợp radar bước sóng milimet trong hệ thống kiểm soát hỏa lực, cùng với thiết bị đo xa laser truyền thống và cảm biến gió ngang, giúp dự đoán được địa hình gồ ghề và hoãn nổ pháo cho đến khi đường ngắm ổn định - phù hợp với địa hình đồi núi, nhiều thung lũng đặc thù trên bán đảo Triều Tiên. Với tổng số đã và đang được quân đội Hàn Quốc triển khai là 206 chiếc, đơn giá 8,5 triệu USD/chiếc, K2 được xem là loại tăng đắt thứ 3 thế giới - sau Type 10 của Nhật và AMX-56 Leclerc của Pháp.

Khả năng công - thủ toàn diện

Để đối phó với lực lượng xe tăng đông đảo của Triều Tiên, Hàn Quốc bắt đầu xem xét việc phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực từ thập niên 1970 - khi Triều Tiên đưa vào biên chế tăng T-62 trang bị pháo 115 mm có uy lực vượt trội so với tăng M-48 Patton sử dụng pháo 90 mm. K2 với tỷ lệ nội địa hoá lên đến 77% - 98% ra đời trong bối cảnh đó.

Từ thiết kế của Đức, Hàn Quốc đã phát triển pháo Rheinmetall L55 120 mm với nòng dài hơn 1,3 m so với pháo L44 120 mm của M1A1 Abrams và Leopard 2 cũ. Nhờ vậy, L55 có áp suất bên trong lớn hơn và sơ tốc đầu nòng vượt trội, giúp tăng tầm bắn nói chung và khả năng sát thương của đạn xuyên động năng nói riêng, cho phép tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 3 km với xác suất 50%, ở khoảng cách 2 km - gần 95%.

Hoả lực phụ của K2 gồm có súng máy đồng trục 7,62 mm (12000 viên đạn) và súng máy phòng không 12,7 mm K6 (3200 viên đạn). Tổ hợp nạp đạn tự động được phát triển dựa trên hệ thống nạp đạn của Thales Group trên tăng AMX-56 Leclerc của Pháp, không chỉ giúp K2 giảm kíp xe xuống còn ba người, mà còn có tốc độ bắn lý thuyết 15 viên/phút; khi đã khóa mục tiêu, pháo chính có thể tự động bám bắt mà không cần kíp xe can thiệp.

Cơ số số đạn chiến đấu của pháo 120 mm 40 quả, bao gồm đạn xuyên động năng (APFSDS), đạn nổ chống tăng (HEAT MP-T) và "Đạn thông minh tấn công nóc xe của Hàn Quốc" (KSTAM) có tầm bắn 2-8 km. Đạn KSTAM có thể được phóng theo quỹ đạo cầu vồng, sau khi khai hỏa, quả đạn sẽ bung dù, chọn mục tiêu cố định hay di động và tấn công phần nóc có giáp mỏng của xe tăng đối phương. Loại đạn tương tự cũng được Đức và Israel phát triển, nhưng chỉ dành cho pháo binh bởi xe tăng của họ không thể nâng pháo chính tới góc bắn cần thiết.

K2 “Báo đen” - siêu tăng chủ lực của Hàn Quốc

K2 phát hỏa trong một cuộc diễn tập. Ảnh: steamcommunity.com.

Hệ thống radar milimet gắn trên tháp pháo có khả năng hoạt động như một hệ thống cảnh báo tên lửa tiếp cận (MAWS) và lập tức ra lệnh phóng lựu đạn khói để che phủ dấu hiệu quang, hồng ngoại và radar. Thiết bị cảnh báo radar (RWR) và cảnh báo laser (LWR) cũng cảnh báo cho kíp xe nếu bị chiếu và phóng lựu đạn ngụy trang về hướng chùm tia. Hệ thống bảo vệ chủ động của K2 có xuất xứ từ Nga, sử dụng radar phát hiện - theo dõi ba chiều và thiết bị chụp ảnh nhiệt để phát hiện tên lửa chống tăng có điều khiển ở cự ly 150 m và phóng tên lửa phòng thủ để vô hiệu hóa chúng khi chúng cách xe tăng 10 - 15 m. Ngoài ra, K2 được trang bị hàng loạt công nghệ tiên tiến: hệ thống quản lý chiến đấu, hệ thống dẫn đường, hệ thống tạo áp suất dư chống vũ khí NBC...

Tập đoàn Hyundai Rotem vừa tuyên bố khởi động lại dây chuyền sản xuất tăng chủ lực K2 tại Changwon sau 2 năm tạm ngưng vì vấn đề hộp số và sẽ cung cấp cho quân đội Hàn Quốc hơn 100 xe tăng vào năm 2021. Theo các chuyên gia quân sự, khả năng bảo vệ của K2 tương đương với M1A2 của Mỹ; tính năng của K2 vượt trội so với các loại xe tăng hiện đại nhất đang có mặt tại khu vực châu Á. K2 Black Panther được coi là một trong những xe tăng mạnh nhất thế giới nhờ khả năng công thủ toàn diện, thậm chí nó còn được mệnh danh là "ông vua" trong làng tăng Châu Á.

Theo VOV

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.