Đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ, Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh và một số sở, ngành, địa phương tham gia hội thảo
Theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT- XH của từng vùng, từng lĩnh vực phải được lồng ghép với phòng chống thiên tai.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh thường xuyên phải hứng chịu do thiên tai, bão lũ làm thiệt hại về người và tài sản ảnh hưởng đến phát triển KT – XH của địa phương. Bởi vậy, việc lồng ghép nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) và thích ứng biến đổi khí hậu (TƯBĐKH) vào kế hoạch phát triển KT- XH là tiền đề cần thiết cho việc phát triển bền vững.
Đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Tĩnh: Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cho các công trình đê điều, hệ thống thủy lợi, gia thông ven biển.. .nhằm góp phần thực hiện tốt công tác PCTT trên địa bàn tỉnh.
Các biện pháp GNRRTT và TƯBĐKH được lồng ghép và thực hiện sớm sẽ gảm được tổn thất, đặc biệt là với các công trình hạ tầng có mục đích sử dụng lâu dài. Việc lồng ghép cũng sẽ góp phần đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH các cấp, đồng thời giúp hài hòa các mục tiêu phát triển KT- XH với sự an toàn của cộng đồng rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thực hiện lồng ghép trên địa bàn tỉnh chưa được tiến hành đồng bộ ở các ngành, chỉ có những ngành liên quan trực tiếp hoặc chịu ảnh hưởng về quy hoạch và kế hoạch phát triển như: nông nghiệp, giao thông, xây dựng, chữ thập đỏ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng: Khi xây dựng kế hoạch phát triển KT – XH Nghi Xuân luôn tính toán kết hợp chặt chẽ để né tránh thiên tai, đảm bảo các công trình và sản xuất an toàn, hiệu quả.
Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới, trong đó các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 05/2016/TT- BKHĐT ngày 06/6/2016 của Bộ KH- ĐT về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH một cách đồng bộ.
Trước hết, rà soát, xác định và phân vùng các vùng nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp của bão, ngập lũ sâu, vùng lũ quét, sạt lở đất để xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN sát với tình hình thực tế. Tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng; gắn cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới...