Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị chữa bệnh. Tại Việt Nam, việc bán thuốc kê đơn mà không có đơn còn phổ biến. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Công tác hậu kiểm còn hạn chế vì số lượng nhà thuốc quá lớn nhưng nhân lực của cơ quan quản lý chưa đáp ứng. Ngoài ra, chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe…
Công tác quản lý chưa kiểm soát được nên hiện nay vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động; nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: VGP)
Từ thực trạng đó, Bộ Y tế xây dựng Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”, gắn với triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.
Đến nay, trên toàn quốc đã có 61.867 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 71,15% cơ sở có kết nối internet, 47,85% cơ sở sử dụng phần mềm để quản lý kinh doanh thuốc. Đặc biệt, tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ các cơ sở bán thuốc lẻ có kết nối internet đạt hơn 90%.
Điểm cầu Hà Nội. Ảnh: ICTNews
Tại Trung ương hiện đã xây dựng được dữ liệu quốc gia và phần mềm triển khai thí điểm, đã chuẩn hóa được 52.000/khoảng 60.000 danh mục thuốc y tế. Bộ Y tế đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT có kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc phiên bản 1.0; phối hợp với Viettel chuẩn bị xong bộ tài liệu tập huấn hướng dẫn sử dụng ứng dụng CNTT.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng dụng CNTT kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc tại các tỉnh: Phó Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định.
Các đại biểu tham dự hội nghị điểm cầu Hà Tĩnh
Tại Hà Tĩnh, từ tháng 07/2018, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y Tế phối hợp cùng Viettel Hà Tĩnh triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã thực hiện cài đặt phần mềm cho 54/54 nhà thuốc; đã có 45/54 nhà thuốc liên thông dữ liệu hàng ngày về hệ thống dược Quốc gia.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đã có trên 85% người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, liên thông dữ liệu với 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Do đó, khi đưa hệ thống quản lý cơ sở cung ứng thuốc và kết nối liên thông vào thực hiện, liên thông dữ liệu với hệ thống hồ sơ sức khỏe, việc quản lý công tác dược, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại trạm y tế xã, phường sẽ được thực hiện tốt hơn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc là việc cần làm ngay của Bộ Y tế. Thực tế lâu nay, người dân chưa được theo dõi, quản lý về sức khỏe. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt hệ thống y tế từ cơ sở trở lên để quản lý sức khỏe cho người dân. Vì vậy, cùng với tạo lập hồ sơ sức khỏe, tiến tới hồ sơ sức khỏe điện tử thì việc kết nối và quản lý toàn bộ hệ thống bán lẻ thuốc có vai trò vô cùng quan trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm đưa vào triển khai trên toàn quốc hệ thống ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để phục vụ người dân. Ảnh: ICTNews
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc sẽ tạo ra công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý. Về phía nhà thuốc, sẽ tối ưu hóa việc kinh doanh. Đặc biệt, quan trọng nhất là mang lại lợi ích lớn cho nhân dân. Chỉ cần thông qua công cụ máy tính hoặc điện thoại, người dân sẽ biết được các thông tin liên quan để lựa chọn các nhà thuốc, từ đó tiến tới loại bỏ mọi hành vi kinh doanh không trong sạch, có tính gian lận.
Phó Thủ tướng chính phủ cũng cho rằng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc, cùng với mặt pháp lý, chính là đạo đức với nhân dân. Vì vậy, hãy vì lợi ích người dân mà bước qua những lợi ích nhỏ cục bộ.
Không loại trừ có một bộ phận không muốn hoặc không tham gia việc kết nối. Nếu vì lý do kỹ thuật thì ngành y tế các tỉnh hỗ trợ, còn nếu vì lý do khác thì phải bằng các biện pháp theo quy định để xử lý. Các địa phương phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hướng tới công tác quản lý công khai, minh bạch, vì lợi ích của người dân.