Kết nối thị trường, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh) thường xuyên kết nối, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn qua các kênh xúc tiến thương mại quan trọng, từng bước đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh đến gần hơn với thị trường.

Kết nối thị trường, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh

Sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh tham dự các triển lãm, hội chợ lớn tại các địa phương khác, nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác, khách hàng.

Xác định tầm quan trọng của bộ nhận diện sản phẩm khi đến với thị trường, Công ty TNHH Thắm An (xã Sơn Hoà, Hương Sơn) đã được Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công thương Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Dầu lạc Thắm An”.

Chị Phạm Thị Thắm – Giám đốc Công ty cho biết: “Đơn vị được hỗ trợ đầu tư làm mới nhãn mác, dán tem truy xuất cho sản phẩm dầu lạc, dầu vừng đen, dầu đậu nành… Đây là cơ sở để đơn vị tạo điểm nhấn với khách hàng, tăng độ nhận biết sản phẩm cho khách hàng, đối tác khi tham gia các hội chợ kết nối cung – cầu tại các địa phương”.

Kết nối thị trường, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh

Gian hàng được bố trí đẹp mắt, ấn tượng, tạo điểm nhấn tại các hội chợ, triển lãm lớn trong nước.

Liên tục tham gia các hội chợ kết nối cung – cầu, hội chợ triễn lãm sản phẩm, Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn đã có cơ hội tìm kiếm được một số đối tác tiềm năng và đang trong quá trình xem xét hồ sơ để làm đơn vị cung ứng sản phẩm nhung hươu phục vụ sản xuất dược liệu.

Anh Trần Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn chia sẻ: “Đây là cơ hội tốt để nhung hưu của tỉnh được chế biến thành các sản phẩm khác, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, tiếp cận tốt hơn với thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện, động lực để người chăn nuôi hươu yên tâm sản xuất, gắn bó với nghề”.

Kết nối thị trường, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh

Dầu lạc Thắm An được hỗ trợ thay đổi nhãn mác, bao bì, thực hiện truy xuất nguồn gốc nhằm tăng tính nhận diện cho sản phẩm trên thị trường.

Được biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Hà Tĩnh đã được tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại 6 hội chợ có quy mô lớn tại các địa phương như: Hội chợ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ, Hội chợ Quốc tế OCOP năm 2019 và Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu tại TP Hồ Chí Minh, Hội chợ OCOP Quảng Ninh,…

Các gian hàng Hà Tĩnh tham gia được thiết kế dàn dựng đẹp mắt, hàng hóa trưng bày đa dạng, phong phú chủng loại. Tại đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như không những có điều kiện giới thiệu sản phẩm tiêu biểu mà còn có cơ hội kết nối, mở rộng thị trường; kí được thêm các hợp đồng cung ứng sản phẩm quan trọng như: Cơ sở sản xuất bánh đa nem Thuận Kỷ (TP Hà Tĩnh), cơ sở sản xuất tinh bột nghệ An Tâm (Can Lộc), cu đơ Phong Nga (Thạch Hà)…

Kết nối thị trường, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh

Cơ sở sản xuất bánh đa nem Thuận Kỷ nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng, hoạt động sản xuất đi vào ổn định hơn.

Đặc biệt, trong tháng 4 vừa qua, Sở Công thương Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại đã đưa vào hoạt động chính thức website thương mại điện tử bán sản phẩm đặc sản tỉnh Hà Tĩnh tại địa chỉ dacsan.hatinh.vn.

“Website chủ yếu giới thiệu, trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Hà Tĩnh như: cu đơ, nhung hươu, bánh đa nem… và một số sản phẩm của 5 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Trang thương mại điện tử này dần mở ra kênh quảng cáo, xúc tiến thương mại mới, nhiều tiềm năng để sản phẩm hàng hoá tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với khách hàng” - ông Đinh Hữu Sang - Trưởng phòng Xúc tiến thương mại (Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại) cho biết.

Kết nối thị trường, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nỗ lực, đầu tư hơn để từng bước đưa sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh khẳng định được vị thế trong và ngoài tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh Nguyễn Mạnh Tường cho biết: “Để tiếp tục mở rộng thị trường, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm có quy mô; tổ chức khảo sát, điều tra và xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm công nghiệp nông thôn chủ lực đến năm 2025; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Lễ hội Cam và các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2019”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast