Khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông tin rằng giới lãnh đạo Iran muốn có một cuộc gặp với ông.

Khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng ngày 12/9, Tổng thống Trump cho biết: “Tôi có thể nói rằng Iran muốn gặp”. Gần đây, ông Trump liên tiếp tuyên bố sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York vào cuối tháng này.

Tuy nhiên, đến nay, phía Iran vẫn chưa đưa ra phản hồi tích cực. Ngày 11/9 vừa qua, Tổng thống Iran Rouhani chỉ trích việc chính quyền Mỹ gây sức ép đối với Iran, đồng thời kêu gọi Washington chấm dứt chính sách không hiệu quả này.

Ý tưởng về cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Iran được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra từ tháng trước sau khi ông có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Pháp.

Giới phân tích nhận thấy khả năng chính quyền Mỹ sẽ có thái độ thỏa hiệp hơn sau khi Tổng thống Trump ngày 10/9 quyết định sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, người vốn có quan điểm cứng rắn đối với với Iran và cả Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump hiện chưa thể hiện dấu hiệu sẽ ủng hộ việc ngừng chiến lược gia tăng trừng phạt Iran. Phát biểu sau sự ra đi của ông Bolton, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh hiện Tổng thống Trump bày tỏ sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Iran mà không cần điều kiện tiên quyết, song chính quyền Mỹ duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” với nước CH Hồi giáo này.

Căng thẳng Mỹ- Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015, tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ.

Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết nêu trong thỏa thuận.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.