Tại tiểu ban “Nguyễn Công Trứ với văn học, văn hoá, gia đình, quê hương và dòng tộc” có 24 tham luận đã được trình bày
Nguyễn Công Trứ - một con người đa tài, lạc quan
Trong khuôn khổ 24 tham luận được trình bày tại tiểu ban “Nguyễn Công Trứ với văn học, văn hoá, gia đình, quê hương và dòng tộc” do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì, hình ảnh của Nguyễn Công Trứ đã hiện lên rõ nét qua nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Trong đó, có khá nhiều sự tìm tòi, phát hiện mới về những đóng góp của Nguyễn Công Trứ đối với văn học, văn hoá Việt Nam; đồng thời phân tích, lý giải những mối quan hệ, tác động qua lại của quê hương, dòng tộc đối với Nguyễn Công Trứ.
Trong đó, tham luận “Phác thảo về hình ảnh một cán bộ tư duy chiến lược” của GS.TS Trần Ngọc Vương và Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh, Nguyễn Công Trứ là một trong số ít vị quan được lưu danh thiên cổ nhờ công nghiệp lẫy lừng. Với khả năng nhập cuộc quyết liệt cùng một chút đắc thời, đắc thế, Nguyễn Công Trứ đã trở thành điển hình mẫu mực cho một cán bộ tư duy ở cấp chiến lược dù bước vào quan lộ khá muộn màng.
Tham luận cũng khẳng định, Nguyễn Công Trứ là một anh hùng thư kiếm, văn võ toàn tài mà lại là những tài có thể thực hành, vận dụng được trong suốt hành trình kinh lược. Hiếm có trong lịch sử một nhân vật nào được ghi nhận và vinh danh trên tất cả các phương diện quân sự - chính trị - văn học/văn hoá như thế.
GS.TS Trần Ngọc Vương - Đại học KHXH&NV trình bày tham luận "Phác thảo về hình ảnh một cán bộ tư duy chiến lược”.
Cũng ở góc độ tiếp cận ấy, tham luận “Con người công dân và con người cá nhân Nguyễn Công Trứ” của PGS. TS Nguyễn Phạm Hùng, “Biểu tượng cây thông trong văn hoá của Nguyễn Công Trứ” của nhà nghiên cứu Hà Quảng, “Cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Trứ” của Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tâm… cũng đã làm nổi bật hình ảnh một vị quan đa tài, có tâm, có tầm với quê hương, đất nước.
Ngay trong cả sáng tác văn chương hay thực thi nhiệm vụ làm quan, Nguyễn Công Trứ luôn tách bạch con người riêng với con người công dân. Và ở đâu, trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ nào, Nguyễn Công Trứ cũng luôn là một người khảng khái, yêu nước, thương dân, có tư tưởng, có hoài bão. Đặc biệt ở ông có sự hài hoà giữa “tài giỏi” và “tài hoa”.
Tiến sỹ Võ Hồng Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh trình bày tham luận “Dòng họ Nguyễn Công và gia đình Nguyễn Công Trứ ở Uy Viễn – Nghi Xuân”.
Tiếp cận ở góc độ khác, nhiều tham luận đã cho thấy khí chất của con người, văn hoá Hà Tĩnh có mặt trong nhân cách, tài năng của Nguyễn Công Trứ. Tham luận “Dòng họ Nguyễn Công và gia đình Nguyễn Công Trứ ở Uy Viễn – Nghi Xuân” của Tiến sỹ Võ Hồng Hải hay “Muôn mặt tiếng cười trong thơ ca Nguyễn Công Trứ” của PGS.TS Nguyễn Trường Lịch, “Ý tưởng về giáo dục của Nguyễn Công Trứ” của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, “Chủ nghĩa nhân văn trong thơ ca Nguyễn Công Trứ” của PGS.TS Phạm Công Nhất… và một số tham luận nói về công lao của Nguyễn Công Trứ đối với nhiều miền quê ở Thái Bình, Ninh Bình… đều đã đi sâu phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời, sáng tác văn chương của Nguyễn Công Trứ.
Hầu hết các tham luận đều thừa nhận, sự kết tinh của văn minh sông Hồng, sông Lam và biển cả đã nuôi dưỡng, hình thành nên con người Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ là nhà sáng tạo văn hoá và dấu ấn của ông trong dòng chảy văn học, văn hoá Việt Nam thế kỷ XIX là rất sâu đậm và độc đáo.
Một kẻ sỹ “ưu thời mẫn thế”
Ở góc độ tiếp cận “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, chính trị, tư tưởng và thời đại”, 26 tham luận của tiểu ban này đã phân tích sâu về vị trí, vai trò của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
Các đại biểu trình bày tham luận ở tiểu ban "Nguyễn Công Trứ với lịch sử, chính trị, tư tưởng và thời đại"
Trong đó, nhiều tham luận đã tập trung phân tích những đóng góp của Nguyễn Công Trứ với tư duy hướng biển, mở mang những không gian sinh tồn mới của dân tộc về phía biển và cả sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo Việt Nam.
Tư duy đó không chỉ đã tạo nên những giá trị cụ thể trong lịch sử dân tộc mà còn để lại những bài học giáo dục, vẫn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay. Nổi bật như các tham luận: “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ - nhà khẩn hoang tài ba ở nửa đầu thế kỷ XIX” của PGS.TS Đào Tố Uyên; “Từ nhà Nho tài tử đến nhân vật khai phá” của TS Đinh Đức Tiến; “Một số vấn đề tư tưởng và công lao của Nguyễn Công Trứ trong việc khai hoang lấn biển” của TS Nguyễn Thị Thu Hường; “Nguyễn Công Trứ - từ nhân vật lịch sử đến thần thành hoàng làng ở các làng xã vùng duyên hải Bắc Bộ” của TS Nguyễn Hoài Phương; "Khai hoang - một giải pháp ổn định xã hội của nhà nước trong lịch sử trung đại Việt Nam" của PGS.TS Vũ Văn Quân...
PGS.TS Vũ Văn Quân - Đại học KHXH &NV Hà Nội trình bày tham luận "Khai hoang - một giải pháp ổn định xã hội của nhà nước trong lịch sử trung đại Việt Nam"
Nhiều tham luận cũng đem đến những cái nhìn sâu sắc hơn, cụ thể hơn để làm bật lên hình ảnh “ưu thời, mẫn thế” với những triết luận sâu sắc, ẩn chứa những tư tưởng Nho – Phật – Đạo về số phận của kiếp người và về cõi nhân sinh. Đó là: “Hai phương diện đặc sắc trong chân dung nhà Nho – kẻ sỹ và vị hưu quan Nguyễn Công Trứ” của GS Phong Lê; “Nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ” của nhà nghiên cứu Trần Nguyên Việt; “Những nét đặc sắc trong cuộc đời và quan niệm nhân sinh của Nguyễn Công Trứ” của PGS.TS Nguyễn Bình Yên…
Các tham luận “Nguyễn Công Trứ - cốt cán kẻ sỹ Việt Nam” của nhà nghiên cứu Hồ Hữu Phước; “Nguyễn Công Trứ với thời đại” của TS Nguyễn Thu Hồng; “Tư tưởng, ứng xử văn hoá, chính trị của Nguyễn Công Trứ và sức sống vượt thời đại của một hình mẫu kẻ sỹ” của PGS.TS Biện Minh Điền… đã cùng khắc hoạ hình ảnh một Nguyễn Công Trứ không chỉ nghĩ suy mà còn là người đầy sinh lực, nhiều niềm đam mê, khát vọng và ưa hành động. Nguyễn Công Trứ luôn dễ dàng hoà nhập với những biến thiên của thời đại, hoà mình với đời sống của nhân dân, với nhiều lớp người trong xã hội để bảo vệ, dẫn dắt và kiếm tìm nguồn sống cho họ.
PGS.TS Biện Minh Điền trình bày tham luận "Tư tưởng, ứng xử văn hoá, chính trị của Nguyễn Công Trứ và sức sống vượt thời đại của một hình mẫu kẻ sỹ”
Với sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia văn học, sử học, triết học, khoa học chính trị, văn hoá học, nhân học, nghệ thuật học, trên quan điểm nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, hội thảo đã đưa ra những kiến giải mới, cái nhìn mới về con người chính trị, con người kinh tế, con người văn chương Nguyễn Công Trứ. Bằng việc nhìn lại, trở về với những giá trị nguồn cội, các giá trị được kết luyện, hun đúc qua thời gian, hội thảo đã thêm một lần nữa đánh giá vai trò, vị trí của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử dân tộc. Qua đó, khẳng định những bài học lịch sử sâu sắc từ cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ trong thời đại hội nhập hiện nay.