Nếu đang trực tiếp cảm nhận đợt nắng nóng trên đường phố Berlin, London hay biển Địa Trung Hải lúc này, bạn có thể sẽ thèm những ngày lạnh giá. “Nhưng đừng nhầm, mùa đông đang đến và nó hứa hẹn sẽ rất tàn bạo và gây chia rẽ vì cuộc khủng hoảng năng lượng đang nhanh chóng trở nên tồi tệ”, Economist bình luận.
Châu Âu đã chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong thập kỷ qua, bao gồm cuộc khủng hoảng đồng euro đầu những năm 2010 và khủng hoảng người di cư năm 2015. Giờ có thể sẽ đến khủng hoảng năng lượng mùa đông năm 2022. Một lần nữa, sự thống nhất và quyết tâm của lục địa sắp bị thử thách.
Hầu hết người châu Âu vẫn chưa nhìn hoặc cảm thấy khó khăn đến gần. Còn trên thị trường giao dịch năng lượng, căng thẳng đã xuất hiện. Giá giao khí đốt trong mùa đông này ở mức 182 euro mỗi mwh, cao gấp bảy lần mức phổ biến trước chiến sự Ukraine.
Các chính phủ như Pháp và Đức đang chuẩn bị cứu trợ ngành năng lượng. Một số nhà đầu tư đang đặt cược vào việc các công ty công nghiệp nào sẽ phá sản vào cuối năm nay, khi việc phân bổ khí đốt diễn ra. Trong khi hầu hết chính trị gia của châu Âu không thể chia sẻ với công chúng về những lựa chọn khó khăn ở phía trước, ngay cả những nhà kinh doanh năng lượng đã từng nếm trải nhiều đợt xung đột và đảo chính cũng bắt đầu bất an.
Một khu phức hợp dầu khí của Gazprom PJSC Chayandinskoye, tại Sakha, Nga. Ảnh: Bloomberg
Nhiều người có thể nghĩ một cuộc suy thoái và lạm phát là điều châu Âu có thể chịu đựng được. Xét cho cùng, đại dịch cũng đã từng chứng kiến GDP của eurozone giảm đến 6% hồi 2020. Nhưng Economist cho rằng, mối đe dọa về năng lượng thì ngấm ngầm hơn.
Sự thiếu hụt có thể gây ra chính sách làm hại hàng xóm, hay còn được gọi là hành vi “bần cùng hóa người láng giềng” (Beggar-Thy-Neighbor). Vì muốn tích trữ khí đốt đủ dùng cho mình, một số nước có thể ngăn không cho nó chảy sang nước kế bên. Và Anh là có nguy cơ nhiều sẽ làm như vậy.
Chênh lệch về giá bán buôn khí đốt ở các nước EU khác nhau cho thấy rằng các công ty lo ngại sự đổ vỡ trong thị trường đơn lẻ. Các khoản nợ của chính phủ cao hơn bao giờ hết. Một cú sốc lạm phát đi kèm suy thoái (stagflation) có thể làm dấy lên lo ngại về các vụ vỡ nợ. Hoặc thậm chí một cuộc khủng hoảng nợ ở Italy sẽ đe dọa toàn bộ khu vực đồng euro.
Ngoài ra, phản ứng dữ dội lan rộng về giá năng lượng cũng có thể làm xói mòn sự ủng hộ của người dân trên khắp lục địa với việc có nên chống lại ông Putin hay không.
Nhu cầu khí đốt là theo mùa, vì vậy điều quan trọng là phải tích trữ vào mùa xuân và mùa hè. Từ mức rất thấp là 26% vào tháng 3, các khu chứa của châu Âu đã đầy một nửa vào tháng 6 và đang trên đà đạt mức 80% vào tháng 11, mức tối thiểu cần thiết để vượt qua mùa đông.
Cho đến một vài tuần trước, có vẻ như châu Âu có thể thoát khỏi kịch bản xấu nhất trong mùa đông tới, nhờ tăng nhập khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ và các nguồn cung khác. Nhưng triển vọng lần nữa xấu đi. Sự cố tại một mỏ khí đốt ở Na Uy đang làm gia tăng căng thẳng khi nhu cầu điện để làm mát mùa hè tăng. Vấn đề lớn hơn còn nằm ở dòng khí đốt đến châu Âu từ Gazprom. Nó đã chạy ở mức một nửa so với công suất bình thường và thậm chí còn giảm hơn nữa.
Hôm 11/7, Nord Stream 1 - đường ống lớn nhất - còn tạm ngưng hoạt động để bảo trì đến 22/7. Nhưng khác mọi năm, Nga không bơm bù khí đốt thiếu hụt khi bảo trì Nord Stream 1 thông qua những đường ống khác. Các thương nhân cho rằng Điện Kremlin đang cố tình siết chặt nguồn cung. Giá giao hàng trong hai mùa đông 2023 và 2024 đã cao gấp bốn lần mức bình thường.
Người tiêu dùng, những người sử dụng gas trực tiếp để sưởi ấm và nấu nướng, cũng như gián tiếp là điện, ít biết những gì có thể ảnh hưởng đến họ. Hiện tại, nhiều công ty năng lượng được bảo vệ bởi giá trần, trợ cấp và hợp đồng dài hạn.
Người dân Đức vẫn trả ít hơn ít nhất 70% so với giá thị trường cho khí đốt. Nhưng những khách hàng công nghiệp như hóa chất và các công ty sản xuất thủy tinh đang gặp khó khăn. Trên toàn khu vực đồng euro, việc ngừng dòng khí đốt của Nga có thể làm giảm tăng trưởng 3,4 điểm phần trăm và làm tăng lạm phát lên 2,7 điểm phần trăm, theo ngân hàng UBS. Ở Đức, thiệt hại sẽ còn tồi tệ hơn.
Vì tất cả những hiện trạng và lý do trên, các chính phủ châu Âu phải tự vực dậy để đối mặt với cú sốc năng lượng ngay từ bây giờ, theo Economist. Tương tự việc chia sẻ vaccine thời Covid-19, họ cần phải vượt qua sự chia rẽ quốc gia.
Ủy ban châu Âu đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 26/7. Các chuyên gia cho rằng, vì vai trò quan trọng trong thương mại khí đốt, kế hoạch của Ủy ban nên bao gồm Anh và Na Uy. Nguồn cung cần được tối đa hóa, đó là lý do tại sao việc mua chung đáng được theo đuổi và Hà Lan nên hoãn đóng cửa mỏ khí Groningen vào năm tới.
Tiếp theo là sự cần thiết phải có một hệ thống phân cấp quản lý tiêu thụ khí đốt được áp dụng trên toàn châu lục. Nguyên tắc chung là người sử dụng nhiều năng lượng phải chịu ảnh hưởng trước, và người tiêu dùng gia đình chịu sau cùng.
Các quốc gia cần chia sẻ dung lượng lưu trữ và đảm bảo khí đốt tự do di chuyển. Hệ thống càng được tích hợp thì càng có khả năng phục hồi. Cuối cùng, các chính trị gia nên trung thực với công chúng. Giá tiêu dùng khí đốt cần tăng ngay bây giờ để cắt giảm nhu cầu và giúp tích trữ. Sự trợ giúp cho mùa đông có thể đến từ những thay đổi nhỏ mang tính tự nguyện trong thói quen sinh hoạt của gia đình.
Phần thưởng cho châu Âu nếu thành công không chỉ diễn ra trong những tháng tới. Về lâu dài, châu Âu cần tự giải phóng mình khỏi sự uy hiếp năng lượng của Nga. Điều này cũng sẽ tạo ra một cơ chế an ninh năng lượng nhất quán trên toàn châu lục, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Châu Âu có thói quen xích lại gần nhau trong các cuộc khủng hoảng. Bây giờ là lúc họ cần làm như vậy một lần nữa, Economist bình luận.