Xuất xứ không rõ ràng
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, những ngày gần đây, không chỉ các vùng trung tâm mà khắp các chợ nhỏ lẻ vùng nông thôn, mặt hàng trái cây với vô số chủng loại cũng đã tràn ngập như: cam, xoài, táo, nho, mít, dứa… Dù nguồn hàng phong phú, đa dạng, người tiêu dùng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng khi những thông tin về trái cây có sử dụng chất bảo quản, mít nhúng hóa chất, các loại nho, táo đỏ cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thậm chí, nhiều loại trái cây trong nước cũng “lập lờ” về xuất xứ.
Người tiêu dùng cần trang bị kỹ năng chọn trái cây sạch, lựa chọn đại lý uy tín
Là nội trợ trong gia đình, nhưng để lựa chọn được những sản phẩm trái cây sạch, giá cả phải chăng đối với các mẹ, các chị không phải là điều đơn giản. Chị Phạm Thị Hoa (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Vợ chồng tôi đều là những người lao động có thu nhập vừa phải nên đối với tôi, ngoài chất lượng, giá cả cũng là điều hết sức quan tâm. Hôm trước, tin lời người bán hàng, tôi đã mua 3 kg cam. Theo như lời người bán hàng thì đây là đặc sản của vùng Khe Mây - Hương Khê với giá 35 ngàn đồng/kg. Quả vàng mọng, hình thức bắt mắt như những lần gửi mua trước đó mà giá lại “mềm” hơn nên tôi rất vui. Thế nhưng, ăn rồi mới biết, cam có vị chua, úng, chứ không thơm, ngọt như những lần gửi bạn bè mua tận gốc”.
Dạo qua thị trường bán lẻ trái cây trên địa bàn TP Hà Tĩnh, chúng tôi cũng đã bắt gặp lời mời chào hấp dẫn của những người bán hàng với các loại hoa quả như táo Mỹ, xoài Thái. Đem băn khoăn hỏi một chủ bán trái cây tin cậy của mình tại chợ TP Hà Tĩnh, chị cho biết: “Chất lượng và nguồn gốc thì chị cũng không thể đảm bảo được, thôi thì các em cứ sử dụng trái cây trong nước cho lành”.
Khó kiểm soát chất lượng
Trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng mặt hàng này vẫn gặp nhiều khó khăn dẫu các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo ông Trần Hữu Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường: Đối với mặt hàng trái cây lưu thông trên thị trường, chưa có một văn bản nào quy định rõ về xuất xứ, hóa đơn chứng từ. Qua công tác kiểm tra trên địa bàn cho thấy, chỉ có ở siêu thị và các hộ kinh doanh lớn mới có hóa đơn chứng từ, trong khi thị trường hoa quả ở Hà Tĩnh chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ. Vì thế, đối với mặt hàng này không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để xác định nguồn gốc đâu là hàng nước ngoài, đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng do gia đình sản xuất, việc xử lý vì vậy cũng hết sức khó khăn”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông, lâm, thủy sản - Sở NN&PTNT cho biết: “Mặc dù các mặt hàng nông - lâm - thủy sản do chi cục quản lý, nhưng thực tế việc kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn do các vùng sản xuất hầu như còn manh mún, nhỏ lẻ, lực lượng kiểm tra mỏng, kinh phí eo hẹp… Vừa rồi, chúng tôi cũng đã gửi phân tích một mẫu nho Mỹ và kết quả là an toàn nhưng thời gian chờ kết quả cũng khá lâu, kinh phí cũng lên đến trên chục triệu đồng”.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì việc lấy mẫu trái cây để kiểm định cũng hết sức phức tạp. Hiện có gần 100 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, nên không thể kiểm định hết 100 hoạt chất trên vì khá tốn kém. Thông thường, khi nghi ngờ hoạt chất nào thì ngành chức năng kiểm định chất đó, nhưng cũng phải gửi mẫu ra trung ương để kiểm tra và thời gian chờ khá lâu…
Về các loại trái cây xuất nhập khẩu trên địa bàn, ông Nguyễn Chí Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết: “Hoa quả nhập khẩu chủ yếu đi qua Cửa khẩu Cha Lo, còn ở chỗ chúng tôi trung bình vài ngày mới có một xe qua, lượng hàng cũng không lớn. Điều cần lưu ý là hoa quả xuất xứ từ Thái Lan chỉ bắt đầu thời vụ từ khoảng tháng 3 đến tháng 9, nên người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu thông tin, nguồn gốc trước khi mua”.
Để đảm bảo sức khỏe cho mọi gia đình đón tết, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cần trang bị kỹ năng nhận biết trái cây sạch, an toàn và nên lựa chọn những địa chỉ có uy tín, chất lượng.