Khổ sở vì ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ

Bé Ayansh Tiwari một tháng tuổi nằm khóc trên giường bệnh khi đeo mặt nạ khí dung, các bác sĩ cho biết bé bị ho nặng do tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi.

Những ngày qua, trường tiểu học ở thủ đô Ấn Độ phải đóng cửa, nhiều người khó thở đổ xô đến bệnh viện, trong khi những người dư dả tháo chạy khỏi thành phố đang “ngạt thở” vì ô nhiễm không khí.

Phòng cấp cứu của bệnh viện Chacha Nehru Bal Chikitsalaya ở New Delhi chật kín trẻ em khó thở. Nhiều bé mắc bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi, trong bối cảnh ô nhiễm không khí lên đến đỉnh điểm vào mỗi mùa đông ở siêu đô thị 30 triệu dân này.

“Bất cứ ở đâu, bạn đều nhìn thấy khói độc”, Julie Tiwari, 26 tuổi, nói. "Tôi cố gắng đóng cửa ra vào và cửa sổ càng chặt tốt, nhưng lúc nào cũng như hít phải khói độc. Tôi cảm thấy thật bất lực", cô nói và cố kìm nước mắt.

Khổ sở vì ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ

Bé một tháng tuổi tại bệnh viện Chacha Nehru Bal Chikitsalaya ở New Delhi ngày 7/11. Ảnh: AFP

Một số ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại vùng thủ đô Ấn Độ lên mốc 450, gấp 100 lần giới hạn ảnh hưởng sức khỏe, khi nông dân các bang lân cận đốt rơm rạ trước vụ mùa mới. Các nguyên nhân ô nhiễm khác là đốt rác nhà máy, khí thải ôtô, công trình xây dựng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tránh đi bộ vào sáng sớm và tối muộn, thời điểm chất lượng không khí tồi tệ nhất. Theo các bác sĩ, người già, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh nhân mắc bệnh hô hấp và phụ nữ mang thai là nhóm dễ bị tổn thương.

"Tôi phải dán băng dính kín các cửa sổ ở mọi phòng và không cho con trai 6 tuổi ra ngoài chơi. Tôi đang mang thai 8 tháng, lá phổi bé nhỏ của nó sẽ ra sao trước không khí độc hại như vậy", Nina Kapoor, kiến trúc sư 32 tuổi ở New Delhi , nói.

Khổ sở vì ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ

New Delhi, thủ đô Ấn Độ, chìm trong khói mù ngày 7/11. Ảnh: SCMP

Người dân ở thủ đô Ấn Độ còn đùa rằng người hút thuốc không cần phí tiền mua thuốc lá. Tất cả những gì họ cần làm là bước ra ngoài và hít thở không khí độc tương đương hút 30 điếu thuốc mỗi ngày.

"Một số bệnh nhân băn khoăn liệu có nên rời thành phố vì tình hình thực sự tồi tệ. Khi được hỏi về cách bảo vệ con nhỏ, tất cả những gì tôi có thể tư vấn là mua máy lọc khí, bít kín cửa sổ", bác sĩ Anita Nayyar nói.

Tòa Tối cao Ấn Độ ngày 7/11 cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài sẽ “sát hại toàn bộ những người trẻ tuổi”, ra lệnh cho các bang lân cận thủ đô ngăn đốt rơm rạ, đồng thời yêu cầu giới chức Delhi hành động.

Khổ sở vì ô nhiễm không khí ở thủ đô Ấn Độ

Một cặp vợ chồng giúp con dùng máy thở ở một bệnh viện tại New Delhi ngày 7/11. Ảnh: AFP

Giới chức đang hạn chế lưu lượng xe tải vào thành phố và cấm xe chạy động cơ diesel. Kể từ tuần sau, New Delhi sẽ kiểm soát lưu lượng ôtô theo kế hoạch “chẵn lẻ”, cho phép ôtô biển số lẻ đi lại vào những ngày lẻ, ôtô biển số chẵn đi lại vào những ngày chẵn.

Tất cả các công trường trong thủ đô cũng bị đình chỉ vận hành. Một nửa nhân viên chính quyền được yêu cầu làm việc tại nhà.

Trong hai ngày qua, một số trận mưa đã giúp tình trạng khói mù giảm bớt, nhưng chất lượng không khí vẫn ở mức tệ. “Dù đã có mưa, chúng tôi vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề về hô hấp”, một cư dân địa phương nói.

Nỗi thất vọng vẫn bao trùm khu vực khi chính quyền không tìm được giải pháp lâu dài cho tình trạng ô nhiễm không khí. Delhi từng đưa ra một số biện pháp như phun nước để giảm bụi trên đường phố, xây thêm hai “tháp lọc không khí” cao 24 mét trị giá 4 triệu USD, song bị đánh giá là không hiệu quả.

"Tôi từng yêu mùa đông, đó là thời điểm đẹp nhất năm ở Ấn Độ khi ánh nắng mặt trời dịu nhẹ. Nhưng giờ mọi người đều bị nhốt trong nhà. Và đó là nhóm dư dả, còn người nghèo không còn cách nào khác ngoài ra ngoài mưu sinh hàng ngày", Arvind Gill, giáo viên nghỉ hưu ở Delhi, nói.

Theo Đức Trung/VNE (SCMP, Hindustan Times)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.