Bạn đã biết gì về chữ ký số?

Chữ ký số hiện đang được sử dụng rộng rãi, giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong các giao dịch điện tử và quản lý chứng từ.

Bạn đã biết gì về chữ ký số?

Chữ ký số là gì?

Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã ghi rõ, “chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Hiểu một cách đơn giản, chữ ký số như một “dấu vân tay điện tử” được mã hóa tất cả các dữ liệu, thông tin của một doanh nghiệp/cá nhân, được dùng thay cho chữ ký trên các loại văn bản và tài liệu số đối với các giao dịch điện tử.

Cấu tạo của chữ ký số

Chữ ký số dựa trên công nghệ mã hóa công khai RSA: Mỗi đơn vị kinh doanh sẽ có cặp khóa gồm một khóa bí mật (Private Key) và một khóa công khai (Public Key). Trong đó, khóa bí mật dùng để tạo chữ ký số và thuộc hệ thống mã không đối xứng; còn khóa công khai dùng để kiểm tra chữ ký số, được tạo bởi khóa bí mật tương ứng trong cặp khóa và thuộc hệ thống mã không đối xứng.

Người ký: là thuê bao dùng khóa bí mật của mình để ký số vào một thông điệp dữ liệu nào đó dưới tên mình.

Người nhận: là tổ chức hoặc cá nhân nhận được thông điệp dữ liệu được ký số bởi người ký, bằng việc sử dụng các chứng thư số của người ký để kiểm tra chữ ký số ở thông điệp dữ liệu nhận được và sau đó tiến hành các hoạt động, giao dịch liên quan.

Ký số: là việc đưa khóa bí mật vào một phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu nào đó.

Chức năng của chữ ký số

Đối với các cá nhân, chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, chữ ký số có giá trị tương đương con dấu và chữ ký của người đại diện pháp luật.

Chức năng của chữ ký số bao gồm:

- Thay thế cho chữ ký tay trong các giao dịch thương mại điện tử trên môi trường số như ký hợp đồng điện tử, thanh toán online, chuyển tiền trực tuyến, đóng bảo hiểm...

- Ký trong các giao dịch qua thư điện tử, ký vào các email để đối tác, khách hàng xác nhận người gửi thư.

- Dùng trong các dịch vụ Chính phủ điện tử, ký số khi làm thủ tục hành chính hay xin xác nhận của cơ quan Nhà nước, sử dụng để kê khai nộp thuế trực tuyến, bảo hiểm xã hội hoặc khai báo với cơ quan hải quan, giao dịch ngân hàng, chứng khoán điện tử…

Theo VTV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast