Nghiệm thu đề tài nghiên cứu sự biến đổi tính chất cơ lý hóa của xỉ hạt lò cao tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những kết quả nghiên cứu khoa học từ Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế cho thấy, xỉ hạt lò cao (GBFS) Formosa tại Hà Tĩnh có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu sự biến đổi tính chất cơ lý hóa của xỉ hạt lò cao tại Hà Tĩnh

Chiều 9/3, Sở KH&CN tổ chức họp hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sự biến đổi tính chất cơ lý theo thời gian và môi trường thủy hoá nhằm định hướng sử dụng hợp lý xỉ hạt lò cao (GBFS) Formosa tại Hà Tĩnh”.

Đây là đề tài do Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế chủ trì thực hiện từ tháng 6/2019 với mục tiêu nghiên cứu định lượng ảnh hưởng của điều kiện thủy hóa lên đặc tính thủy hóa của xỉ hạt lò cao Formosa Hà Tĩnh.

Đề tài cũng nhằm đánh giá định lượng ảnh hưởng của quá trình thủy hóa lên sự biến đổi tính chất cơ lý của xỉ hạt lò cao và môi trường xung quanh; xây dựng phương pháp dự báo cường độ kháng nén của xỉ hạt lò cao khi bị thủy hóa trong các điều kiện khác nhau; xây dựng cơ sở khoa học định hướng sử dụng hợp lý xỉ hạt lò cao Formosa Hà Tĩnh làm vật liệu xây dựng tại địa phương; làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo trên sản phẩm xỉ gang thép khác sản xuất tại địa phương và ở Việt Nam.

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu sự biến đổi tính chất cơ lý hóa của xỉ hạt lò cao tại Hà Tĩnh

Tiến sỹ Trần Thanh Nhàn - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

Sau quá trình nghiên cứu, đề tài đã thu nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, khi chưa thủy hóa, tính chất cơ lý của GBFS FHS gần giống với GBFS của các nước khác. Bề mặt GBFS FHS góc cạnh với nhiều lỗ rỗng giúp tăng sức kháng cắt lớn hơn cát tự nhiên trong khi độ xốp lớn hơn (nhẹ hơn). Đây là những tính chất thuận lợi khi sử dụng xỉ làm vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng đắp nền, cải tạo nền đất yếu, làm đường, xây dựng công trình biển...

Về đặc tính thủy hóa, GBFS FHS có độ bền nén tăng dần theo thời gian trong môi trường ẩm tự nhiên mà không cần phụ gia. Trong môi trường nước máy, nước biển, môi trường kiềm cao độ bền cũng tăng theo thời gian. Ngược lại, độ thấm nước của xỉ lại giảm dần theo thời gian.

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu sự biến đổi tính chất cơ lý hóa của xỉ hạt lò cao tại Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Duy Đức đánh giá chi tiết kết quả đề tài.

Kết quả phân tích và đánh giá thành phần nguy hại vô cơ và đặc tính phát thải chất độc khi ngâm chiết trong các môi trường khác nhau cho thấy GBFS FHS đảm bảo an toàn với môi trường khi sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Trên cơ sở kết quả của đề tài, các nhà khoa học cũng đề xuất Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép hợp chuẩn sản phẩm GBFS Formosa nhằm tiến tới sử dụng thí điểm GBFS Formosa vào xây dựng tại Hà Tĩnh, đặc biệt trong xây dựng công trình biển và lĩnh vực cải tạo nền đất yếu. Đồng thời, sớm triển khai đề tài nghiên cứu tương tự đối với xỉ thép của FHS, giúp giảm áp lực bãi thải và môi trường cho doanh nghiệp (hiện đang lưu bãi lượng xỉ thép rất lớn) và khai thác tối đa những đặc tính ưu việt của vật liệu này vào xây dựng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường.

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu sự biến đổi tính chất cơ lý hóa của xỉ hạt lò cao tại Hà Tĩnh

Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn đánh giá cao kết quả đề tài.

Tại cuộc họp, thành viên hội đồng khoa học cũng đã phản biện một số ý kiến nhằm làm rõ kết quả nghiên cứu của đề tài. Đồng thời, hội đồng cũng đánh giá cao nhóm nghiên cứu đã tích cực, khoa học, chủ động triển khai, thực hiện đề tài. Kết quả đề tài có tác động rất lớn trong việc tái sử dụng chất thải xỉ lò cao trong sản xuất gang thép tại Formosa. Đề tài là cơ sở giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách, các cơ quan tham khảo và đưa ra định hướng sử dụng GBFS.

Tuy nhiên, đây mới là nghiên cứu bước đầu, là căn cứ khoa học quan trọng, cần có các thử nghiệm trong thực tiễn để có đánh giá chi tiết hơn trong thời gian tới.

Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài và đánh giá xếp loại: Xuất sắc.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Chủ đề Formosa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast