Trái Đất đang “ốm yếu”

Hoạt động của con người đang đẩy Trái Đất tới ngưỡng nguy hiểm ở 7 trên 8 mốc ranh giới thể hiện độ an toàn và khỏe mạnh của hành tinh.

Trái Đất đang “ốm yếu”

Nguồn nước là một trong yếu tố thể hiện sức khỏe của Trái Đất trong phân tích. Ảnh: AP

Vượt xa gián đoạn khí hậu, báo cáo của nhóm nhà khoa học trong Ủy ban Trái Đất đưa ra bằng chứng đáng lo ngại cho thấy hành tinh đang đối mặt với khủng hoảng nguồn nước, dưỡng chất trong môi trường, duy trì hệ sinh thái và ô nhiễm aerosol. Đây là những mối đe dọa đối với sự ổn định của các hệ thống hỗ trợ sự sống, dẫn tới bình đẳng xã hội kém hơn, theo phân tích công bố hôm 31/5 trên tạp chí Nature .

Nghiên cứu mới là nỗ lực lớn nhất nhằm kết hợp dấu hiệu thiết yếu của sức khỏe hành tinh với phúc lợi của con người, theo giáo sư Johan Rockström, trưởng nhóm nghiên cứu. Ủy ban Trái Đất được thành lập bởi hàng chục viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, dựa vào kết quả phân tích để hình thành cơ sở khoa học cho những mục tiêu bền vững tiếp theo, vượt ngoài trọng tâm hiện nay là khí hậu. Tổ chức này hy vọng các thành phố và doanh nghiệp sẽ áp dụng mục tiêu mới như một cách đo tác động từ hoạt động của họ.

Tình huống hiện nay rất trầm trọng ở gần như mọi hạng mục. Về khí hậu, thế giới đã đặt ra mục tiêu nhằm ngăn hiện tượng ấm lên toàn cầu ở mức thấp nhất có thể là 1,5 – 2 độ C so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp. Ủy ban Trái Đất nhấn mạnh đây là mốc nguy hiểm bởi nhiều người đang chịu ảnh hưởng xấu từ nắng nóng cực hạn, hạn hán và lũ lụt đi kèm với mức tăng nhiệt độ hiện nay là 1,2 độ C. Theo họ, mục tiêu an toàn là 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đòi hỏi nỗ lực lớn nhằm giảm lượng carbon dioxide trong khí quyển.

Để đạt mục tiêu trên, khoảng 50 - 60% khu vực trên thế giới phải chứa hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế là chỉ 45 - 50% hành tinh có hệ sinh thái nguyên vẹn. Tại các vùng bị biến đổi bởi con người như trang trại, thành phố và khu công nghiệp, cần dành ít nhất 20 - 25% đất đai cho môi trường bán tự nhiên như công viên và hàng cây xanh để duy trì hoạt động sinh thái như thụ phấn, điều phối chất lượng nước, quản lý sâu bệnh. Tuy nhiên, khoảng 2/3 đất đai bị biến đổi không đáp ứng mục tiêu này.

Một mục tiêu khác là ô nhiễm aerosol, tích tụ từ khói xe, nhà máy, than đá, nhà máy điện dầu khí. Ở quy mô toàn cầu, báo cáo tập trung vào giảm thiểu sự mất cân bằng mật độ aerosol giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, có thể gây gián đoạn gió mùa và nhiều mô hình thời tiết khác. Ở quy mô địa phương, ví dụ như trong thành phố, báo cáo đồng ý với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kết luận tiếp xúc với 15 microgram bụi mịn (PM 2.5) hàng năm có thể phá hủy phổi và tim. Đây là vấn đề công bằng xã hội bởi người dân nghèo có xu hướng chịu hậu quả nặng nề nhất do sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất.

Ranh giới đối với nước bề mặt là tỷ lệ dòng chảy sông suối bị chặn bởi vùng tích tụ nước không vượt quá 20%, bởi điều đó có thể dẫn tới giảm chất lượng nước và mất môi trường sống cho các loài nước ngọt. Ranh giới an toàn này đã bị vượt qua ở 1/3 diện tích đất liền trên thế giới do đập thủy điện, hệ thống tưới tiêu và xây dựng. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với hệ thống nước ngầm, trong đó ranh giới an toàn là tầng ngậm nước không thể bị suy kiệt nhanh hơn tốc độ bổ sung. Tuy nhiên, 47% lưu vực sông đang thu hẹp ở tốc độ đáng báo động. Đây là vấn đề lớn ở những trung tâm dân cư như Mexico City và vùng nông nghiệp như bình nguyên Hoa Bắc, Trung Quốc.

Dưỡng chất là một vấn đề gây lo ngại khác bởi nông dân ở các nước giàu hơn đang phun nhiều nitrogen và phospho hơn mức cây trồng và đất đai có thể hấp thụ. Hoạt động này giúp tăng sản lượng tạm thời, nhưng dẫn tới hóa chất đổ vào hệ thống sông, dẫn tới hiện tượng tảo nở hoa và nước không đủ lành mạnh để dùng làm nước uống. Giới hạn an toàn trong trường hợp này là mức phun dư 61 triệu tấn nitrogen và 6 triệu tấn phospho trên toàn cầu.

Theo nhóm nghiên cứu, phân tích về tình trạng của Trái Đất khá ảm đạm nhưng không phải mất hết hy vọng. “Các bác sĩ của chúng tôi chẩn đoán Trái Đất thực sự khá ốm yếu ở nhiều lĩnh vực. Điều này ảnh hưởng tới người dân sinh sống trên Trái Đất. Chúng ta không thể chỉ chữa trị triệu chứng mà phải xử lý tận gốc nguyên nhân”, Joyeeta Gupta, giáo sư môi trường và phát triển tại Đại học North China Plain, đồng chủ tịch Ủy ban Trái Đất, nhấn mạnh.

Theo An Khang (VNE)

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.