Vài tuần nay, trên những tuyến đường tại TP Hà Tĩnh, quầy sạp bán bánh trung thu của các thương hiệu Kinh Đô, Hữu Nghị, Yến sào Khánh Hòa… đã được dựng lên với nhiều loại bánh lẻ bình dân đến bánh hộp cao cấp.
Theo ghi nhận, năm nay, các nhãn hàng đều tung ra thị trường những sản phẩm hấp dẫn, đa dạng hương vị nhân bánh và giá cả. Dòng nhân bánh truyền thống như: nhân thập cẩm, hạt sen, đậu xanh, đậu đỏ, jambon, bánh cho người ăn chay, ăn kiêng… có giá phổ biến từ 55 - 175.000 đồng/cái, tùy theo trọng lượng và loại nhân bánh. Những mẫu bánh hộp được thiết kế tông màu, hoa văn vừa theo hơi hướng cổ điển, vừa hiện đại với mức giá dao động 285.000 đồng đến 5 triệu đồng/hộp.
Chị Nguyễn Thanh Hiền – nhân viên quầy bánh Kinh Đô (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Quầy đã mở bán được khoảng 2 tuần. Năm nay, giá bánh nướng, bánh dẻo truyền thống từ 58 – 175 ngàn đồng/cái. Hộp bánh đắt nhất của Kinh Đô là sản phẩm trăng vàng black&gold hộp sơn mài, giá 5 triệu đồng, gồm 6 bánh và 1 hộp trà olong”.
Theo chị Hiền, do thời gian còn khá lâu mới đến chính lễ Tết Trung thu nên lượng khách mua chưa nhiều, trung bình mỗi ngày quầy bán khoảng 30 bánh lẻ, thỉnh thoảng cũng có khách hàng mua bánh hộp để làm quà. Trong dịp rằm tháng Bảy vừa qua, khách mua khá đông, bánh bán ra 100 – 200 cái/ngày”.
Ghi nhận chung, thời điểm này, thị trường bánh trung thu chưa sôi động, lượng khách mua còn khá thưa thớt. Theo nhân viên các quầy, nhiều khách hàng vẫn đang tham khảo mẫu mã, mức giá để đặt bánh cho đơn vị làm quà tặng, tổ chức chương trình trung thu.
Chị Trịnh Thị Phương Thảo – nhân viên quầy bánh trung thu Hữu Nghị tại khu vực trung tâm thương mại Vincom (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, bánh trung thu năm nay có xu hướng ít ngọt hơn và nhiều hương vị nhân mới. Ngoài bánh lẻ truyền thống là các loại bánh nướng, bánh dẻo, dòng bánh hộp năm nay của Hữu Nghị có bộ sưu tập thanh nguyệt và momiji, hộp đắt nhất giá gần 2 triệu đồng. Còn gần 1 tháng nữa mới tới chính lễ nên số lượng bán chưa nhiều, song thị trường hiện nay vẫn “ấm” hơn cùng kỳ năm ngoái”.
Vừa mua 2 cái bánh trung thu, bà Nguyễn Thị Lan (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) chia sẻ: “Các cháu nhỏ nhà tôi thích ăn bánh trung thu, hôm trước rằm tháng Bảy, tôi cũng đã mua 3 cái để cả nhà cùng thưởng thức. Từ nay tới rằm tháng tám, tôi sẽ còn mua nhiều bánh cho gia đình và để tặng một số người thân”.
Theo ghi nhận, ngoài những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng thì năm nay, các nhà phân phối cũng đưa về thị trường Hà Tĩnh một số hãng bánh trung thu mới như: ChamCham, Omeli.
Chị Phạm Đoàn Hà Thu – nhân viên quầy bánh ChamCham trên đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Quầy bánh ChamCham do nhà phân phối Lâm Vũ (phường Thạch Quý) mở bán. Đây là năm đầu tiên thương hiệu này có mặt tại TP Hà Tĩnh và đã “khởi động” được khoảng 1 tuần nay. Ngoài bánh lẻ với giá 55 – 95 ngàn đồng/cái, bánh hộp có nhiều bộ sưu tập khác nhau, mẫu mã thiết kế bắt mắt, phù hợp làm quà tặng như: hộp thượng đỉnh nguyệt cát 6 bánh kèm rượu vang giá 1.350.000 đồng; hoàng kim thịnh vượng 6 bánh giá 880.000 đồng; bách hoàng liên 4 bánh giá 480.000 đồng; ngũ phúc 5 bánh giá 495.0000 đồng…”.
Được biết, chuẩn bị mùa bánh Trung thu, các nhà phân phối đã sớm làm việc với hãng sản xuất để tìm hiểu những dòng bánh mới và cân đối sản lượng kinh doanh bởi đây là mặt hàng thời vụ ngắn ngày.
Bà Bùi Thị Tuyết – Giám đốc Công ty CP Thương mại Xuân Tình (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) – đơn vị phân phối bánh Hữu Nghị cho biết: “Năm nay, công ty dự kiến nhập nguồn hàng bánh trung thu khoảng hơn 2 tỷ đồng, tương đương với năm ngoái. Ngoài phân phối cho các đại lý, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi dựng 8 sạp bán bánh trung thu tại TP Hà Tĩnh, Đức Thọ và TX Kỳ Anh. Do bánh có hạn sử dụng ngắn ngày nên mỗi đợt, chúng tôi nhập lượng hàng vừa phải rồi sau đó mới nhập tiếp. Thời điểm này, một số đơn vị cũng đã liên hệ để lấy bánh số lượng lớn, phục vụ tổ chức trung thu, tặng quà đối tác, nhân viên".
Ngoài những thương hiệu bánh được bán trực tiếp tại quầy hàng, trên nền tảng mạng xã hội, thời điểm này, bánh trung thu "handmade" cũng bắt đầu được quảng cáo đến người tiêu dùng và nhận đơn đặt hàng cho “mùa trăng” năm nay.
Theo các tiểu thương, sức tiêu thụ bánh trung thu sẽ đạt cao từ khoảng đầu tháng 8 âm lịch, đó cũng là thời điểm người kinh doanh bắt đầu tất bật cung cấp bánh cho khách hàng là cơ quan, doanh nghiệp. Đặc biệt, từ ngày 10 – 14/8 âm lịch, thị trường bán lẻ mặt hàng này sẽ rất nhộn nhịp bởi người dân vẫn thường có tâm lý cận ngày mới mua bánh.
Thực tế cho thấy, thị trường bánh trung thu rất đa dạng, bên cạnh những cơ sở "có tiếng", còn rất nhiều cơ sở sản xuất thủ công, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ, lựa chọn những địa chỉ bán sản phẩm uy tín để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân.