>> Tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh đồng loạt đóng quầy bãi thương
Từ ngoài...
Như Báo Hà Tĩnh điện tử đưa tin, bắt đầu từ sáng qua (26/11), toàn bộ các hộ kinh doanh trong đình chợ TP Hà Tĩnh (2 tầng) đồng loạt đóng quầy bãi thương nhằm phản đối việc BQL chợ chuẩn bị chấm dứt hợp đồng để thực hiện xã hội hóa xây dựng chợ.
Các hộ kinh doanh cho rằng, cách đây 15 năm, sau khi cháy chợ, tiểu thương được UBND TP. Hà Tĩnh và BQL chợ thời kỳ đó bán quầy ốt với thời hạn trả tiền xây dựng trong vòng 15 năm. Và, quyền sở hữu quầy ốt của các hộ kinh doanh là lâu dài. Vì vậy, sau khi hết thời gian trả tiền xây dựng (tháng 11/2016), quầy ốt thuộc sử hữu của họ và tiểu thương chỉ phải đóng phí, thuế để kinh doanh lâu dài.
... vào trong, tất cả đều đóng cửa, nghỉ bán
Tuy nhiên, theo những gì mà phóng viên thu thập được thì bản hợp đồng mà BQL Chợ thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) ký với hộ kinh doanh được ghi rất rõ ràng rằng: hợp đồng thuê quầy, ki-ốt kinh doanh có thời hạn. Số tiền mà bà con đóng nộp trong 15 năm là tiền thuê quầy để kinh doanh chứ không phải nhà nước bán hẳn.
Cụ thể: “Bên A (BQL chợ) đồng ý cho bên B (hộ kinh doanh) thuê có thời hạn 15 năm” và “Sau khi hợp đồng hết hiệu lực nếu bên B có nhu cầu tiếp tục thuê quầy để kinh doanh thì hai bên cùng thảo luận, bàn bạc. Nếu thống nhất thì sẽ ký gia hạn hợp đồng”.
Đây là hợp đồng duy nhất được ký kết giữa BQL Chợ TP Hà Tĩnh với hộ kinh doanh liên quan đến thuê quầy, ki-ốt kinh doanh.
Nay, trước yêu cầu chuyển đổi Chợ TP Hà Tĩnh theo Quyết định 2434/QĐ-UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016, UBND TP Hà Tĩnh đã đồng ý cho BQL chợ TP Hà Tĩnh gia hạn hợp đồng.
Theo đó, 860/1.000 quầy, ki-ốt hết hạn hợp đồng, được ký gia hạn đến 31/3/2017 để chuẩn bị quá trình thực hiện chuyển đổi. Việc các hộ kinh doanh bãi thương, tụ tập phản đối là không có cơ sở pháp lý và gây thiệt hại nặng nề về tài chính, thời gian cho chính bản thân họ.
Ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho biết: “Việc chuyển đổi chợ TP Hà Tĩnh sang mô hình doanh nghiệp quản lý nằm trong lộ trình của tỉnh. Không có chuyện sở hữu vĩnh viễn quầy, ki-ốt kinh doanh tại chợ TP Hà Tĩnh".
Cũng theo lãnh đạo thành phố, việc bãi thương có nhiều dấu hiệu xuất phát từ sự xúi giục, lôi kéo của một bộ phận tiêu cực. Lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh kêu gọi mọi người bình tĩnh, hành động thấu đáo và tốt nhất nên cử đại diện để đối thoại về những vấn đề còn vướng mắc lên các cấp. Mặt khác, cần tiếp tục mở cửa buôn bán để đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhất là chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Mô hình chuyển đổi chợ TP Hà Tĩnh đáng ra đã thực hiện từ năm 2015, nhưng do thành phố tiến hành các quy trình chậm nên chưa được thực hiện. Hiện tại, Sở Công thương đang tiếp tục hướng dẫn UBND thành phố hoàn tất quy trình chuyển đổi”