Không được chủ quan với dịch sốt xuất huyết!

(Baohatinh.vn) - Sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại xã Đức Vĩnh (Đức Thọ). Đến thời điểm này, hầu hết các bệnh nhân mắc dịch đã ổn định nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn rất cao. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, SXH đang vào mùa và dự báo nguy cơ lây lan ra cộng đồng, vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Không được chủ quan với dịch sốt xuất huyết! ảnh 1
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ kiểm tra và hướng dẫn phác đồ điều trị cho bệnh nhân SXH tại Tram Y tế Đức Vĩnh

Mặc dù đang vào mùa vụ nhưng bà con xã Đức Vĩnh vẫn tranh thủ thời gian vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh và thu gom các phế liệu, vật dụng tích trữ nước. Ông Phạm Thiết (thôn Vĩnh Phúc) cho biết: Giờ nói đến dịch là người dân sợ lắm! Năm 1998, đã từng xảy ra dịch SXH. Hồi ấy, người mắc nằm la liệt ở trạm y tế; có rất nhiều người phải cấp cứu. Riêng thôn này, SXH đã cướp đi sinh mạng của 2 đứa trẻ, 1 em đang học THCS và một đang học tiểu học… Hậu quả của nó vẫn cứ ám ảnh đến giờ, bởi vậy, nghe xã thông báo có dịch, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch là bà con triển khai ngay.

Đến thời điểm này, xã Đức Vĩnh đã có 11 bệnh nhân có các triệu chứng SXH, trong đó, 5 bệnh nhân dương tính với Dengue. Hiện còn 1 bệnh nhân đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa huyện và 1 bệnh nhân đang theo dõi, chăm sóc tại Trạm Y tế xã; số còn lại đã ổn định. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đức Vĩnh - Phan Thị Phương cho biết: Ngay khi nghi ngờ có bệnh dịch, trạm đã báo cho UBND xã và Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) huyện. Sau đó, xã họp khẩn cấp BCĐ phòng chống dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống. Tất cả cán bộ xã đều được huy động về các thôn hướng dẫn, giúp đỡ bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom các phế thải có chứa nước, diệt bọ gậy.

Không được chủ quan với dịch sốt xuất huyết! ảnh 2
Nhân viên Y tế thôn xã Đức Vĩnh phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng, chống SXH

Cùng với sự vào cuộc của cán bộ Trung tâm YTDP huyện và sự hỗ trợ của ngành y tế nên trước mắt đã có dấu hiệu khống chế được dịch bệnh, chưa xuất hiện bệnh nhân mới. Riêng thôn có ổ dịch đã được phun hóa chất toàn thôn; còn hai thôn khác đang ra quân làm vệ sinh môi trường và tiến hành phun hóa chất diệt muỗi.

Xã Đức Vĩnh có 440 hộ dân với 1.500 nhân khẩu, chia thành 3 thôn. Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm YTDP huyện thì bệnh nhân mắc đầu tiên thường trú tại thôn Vĩnh Đại vừa đi thăm người thân ở TP Hồ Chí Minh về. Ngoài ra, thôn Vĩnh Đại cũng có nhiều yếu tố nguy cơ như mật độ dân cư đông; vệ sinh môi trường không đảm bảo, người dân từ nơi khác đến và qua lại thường xuyên. Qua điều tra cho thấy, mật độ muỗi cao. Chỉ số mật độ muỗi = 0,77>0,5. Tại các hộ có bệnh nhân mắc SXH đều có muỗi cư trú. Chỉ số Breteau (BI) = 30 (vượt ngưỡng cho phép 1,5 lần).

Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Đức Thọ cho biết: Mặc dù đã khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh nhưng với môi trường ẩm thấp, thời tiết diễn biến thuận lợi cho muỗi sinh trưởng và phát triển như hiện nay thì vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xuất hiện và lây lan dịch bệnh SXH trong cộng đồng.

Không được chủ quan với dịch sốt xuất huyết! ảnh 3
Cán bộ Trung tâm YTDP huyện Đức Thọ và nhân viên Y tế xã Đức Vĩnh kiểm tra, hướng dẫn và giúp đỡ bà con nhân dân thu gom các vật liệu phế thải chứa nước

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch SXH, cùng việc phân công cán bộ phụ trách bám sát các địa bàn, Trung tâm YTDP huyện đã có công văn đề nghị Bệnh viện Đa khoa huyện, trạm y tế các xã, thị trấn và các phòng khám trên địa bàn triển khai các nội dung: tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục điều tra, giám sát và triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường tại vùng có chỉ số mật độ bọ gậy cao và tổ chức phun diệt muỗi chủ động với phương châm “Không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi, không có bệnh SXH Dengue”; tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về cách phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng…

Những năm gần đây, Hà Tĩnh xuất hiện các ổ dịch SXH theo mùa, nhưng đều được khống chế và dập tắt, không để lây lan ra diện rộng. Theo dự báo, năm nay, yếu tố nguy cơ dịch bệnh cao hơn. Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Nguyễn Lương Tâm cho biết: TP Hồ Chí Minh đang là mùa SXH với số lượng mắc bệnh tăng cao. Số lượng người lao động, học tập, du lịch từ TP Hồ Chí Minh về Hà Tĩnh rất đông, sẽ mang theo mầm bệnh. Mặt khác, qua tiếp cận địa bàn nơi xuất hiện ổ dịch, chỉ số BI cao, cộng thêm điều kiện thời tiết như hiện nay thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch.

SXH Dengue thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, bà con nhân dân cần chủ động, tích cực diệt bọ gậy (không có bọ gậy là không có SXH); khi ngủ cần phải mắc màn. Nếu có sốt cao thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, từ ngày mai (17/11), Hà Tĩnh khả năng có gió Đông Bắc mạnh cấp 3, cấp 4; nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15
Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Thông thường các bệnh về tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt về cấu tạo và chức năng sinh lý khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Vậy, ở nam giới thường mắc các bệnh tuyến giáp như nào?
Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.