Với vị trí địa lý và hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, cơ chế chính sách đồng bộ, Khu kinh tế Vũng Áng (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đang là điểm đến hấp dẫn, “bến đỗ” an toàn của các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng nằm trên vùng đất phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây từng được coi là “chảo lửa, túi mưa”, thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng, hơn 1 thập kỷ qua, trên mảnh đất cát bạc màu này đã có những đổi thay kỳ diệu. Những mái tranh nghèo, xác xơ dưới chân Đèo Ngang năm nào đã thay bằng những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Những tuyến đường lầy lội, đất đỏ mù mịt được thay bằng những đại lộ thênh thang...
Video: Khu kinh tế Vũng Áng - khát vọng vươn cao.
Đổi thay này là kết quả của những nỗ lực và chính sách ưu đãi trong kêu gọi, xúc tiến đầu tư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã tìm đến KKT Vũng Áng để đầu tư xây dựng những siêu dự án hàng tỷ USD. Và, hôm nay, KKT Vũng Áng đã trở thành “bến đỗ” an toàn, phát triển bền vững cho các nhà đầu tư.
Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 22.781 ha, bao gồm 9 xã, phường nằm ở phía Nam TX Kỳ Anh. Với địa thế thuận lợi, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển Đông, cách thành phố Hà Tĩnh gần 70 km về phía Nam, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 50 km về phía Bắc.
Bản đồ quy hoạch KKT Vũng Áng.
KKT Vũng Áng nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây rất thuận lợi cho sự giao thương. Từ KKT Vũng Áng, theo quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với mọi vùng trong cả nước. Bên cạnh đó, theo Quốc lộ 8A và Quốc lộ 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc - Thái Lan.
Hạ tầng cảng biển nước sâu kết hợp với giao thông đường bộ kết nối KKT Vũng Áng đi trong nước và quốc tế được đầu tư khá hoàn chỉnh.
Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng kết nối liên vùng trong tỉnh và tỉnh Nghệ An. Đây là 1 trong những tuyến đường “hậu cần” cho phát triển KKT Vũng Áng.
Đặc biệt, tại KKT Vũng Áng có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Bên cạnh đó, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có lợi thế độ sâu tự nhiên lớn, hàng năm độ sa bồi ít nên có thể tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn đến 350.000 DWT, gồm bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng... Cụm cảng này còn có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý), thuận lợi để kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và Châu Âu.
Lợi thế từ các cảng biển tạo động lực để kinh tế Hà Tĩnh phát triển lên tầm cao mới.
Để phát huy lợi thế của cụm cảng biển nước sâu và hạ tầng giao thông liên vùng, vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng, tỷ lệ 1/500, quy mô diện tích lập quy hoạch 133,32 ha.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu hình thành Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng có tầm cỡ khu vực và quốc tế, phục vụ các hoạt động logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Bản vẽ 3D quy hoạch Trung tâm Logistics KKT Vũng Áng, tỷ lệ 1/500, do Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển khảo sát, lập quy hoạch
Điều đặc biệt nữa, KKT Vũng Áng là một trong 5 KKT ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư. Theo đó, đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.
Ngoài ra, KKT Vũng Áng có quỹ đất rộng phù hợp cho xây dựng phát triển công nghiệp và đô thị; thiên nhiên còn ban tặng cho vùng đất này một địa hình đa dạng, phong phú, có điều kiện cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch biển.
Về các chính sách, KKT Vũng Áng được hưởng chính sách ưu đãi đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Bởi vậy, từ khi ra đời đến nay, các nhà đầu tư vào KKT Vũng Áng đã, đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, chính sách thu hút đầu tư như: tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, hỗ trợ đào tạo nhân lực và hạ tầng kỹ thuật…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn kiểm tra thực địa nơi sẽ diễn ra lễ khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Pin VinES do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư (ngày 8/12/2021).
Đặc biệt, đến đầu tư tại KKT Vũng Áng, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều hài lòng, ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ tối đa của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trên lĩnh vực cải cách hành chính, giải quyết hồ sơ, thủ tục và công tác giải phóng mặt bằng nhanh gọn.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Ảnh: Đình Nhất
Nhiều dự án lớn như: Nhà máy luyện cán thép và cảng biển Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Tổng kho Xăng dầu – dầu khí Vũng Áng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn An Việt Phát… cùng các dự án khác đã được chính quyền địa phương tập trung giải phóng mặt bằng trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ.
Điển hình như dự án Formosa Hà Tĩnh với diện tích giải phóng mặt bằng hơn 2.000 ha, phải di dời 4.500 hộ dân bị ảnh hưởng, hàng chục nghìn ngôi mộ thuộc 6 xã trong KKT Vũng Áng đã được chính quyền sở tại tổ chức giải phóng mặt bằng “thần tốc” trong thời gian 10 tháng.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoạt động SXKD hiệu quả, là “đầu kéo” dẫn dắt, thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng
“Vũng Áng là KKT rất năng động, nhiều tiềm năng với quy hoạch bài bản, cơ sở hạ tầng hiện đại. Hệ thống cảng nước sâu là lợi thế lớn nhất của KKT khi các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện. Đặc biệt, Hà Tĩnh luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục hành chính... Chúng tôi tin rằng, với những lợi thế và sự nỗ lực của chính quyền, nhiều doanh nghiệp tiềm năng sẽ tiếp tục tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh” – ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho hay.
Khu vực dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup.
Một dự án lớn sẽ khởi công vào ngày 12/12 tại KKT Vũng Áng là Nhà máy Sản xuất Pin VinES. Đây là 1 trong 4 dự án nằm trong tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast và cảng biển kết hợp logistics, du lịch nghỉ dưỡng tại KKT Vũng Áng do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, theo kế hoạch sẽ hoàn thiện đi vào hoạt động trong giai đoạn 2021- 2025.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, quá trình đề xuất, khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch đầu tư dự án, nhà đầu tư đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ban, ngành liên quan. Đây là niềm tin, sức mạnh để nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Từ những chính sách “kích cầu” hiệu quả và công tác giải phóng mặt bằng nhanh gọn, KKT Vũng Áng đã trở thành “đất lành” và hiệu quả của các nhà đầu tư.
Đến nay, KKT Vũng Áng đã thu hút 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Hệ thống cảng nước sâu là lợi thế lớn nhất của KKT Vũng Áng khi các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện. Ảnh: ĐÌnh Nhất
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Hà Tĩnh xác định phát triển KKT Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh. Ngay đầu nhiệm kỳ 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển KKT Vũng Áng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết xác định rõ quan điểm chỉ đạo: Xây dựng KKT Vũng Áng là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển KKT Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với phát triển vùng và kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực; phát triển kinh tế gắn với các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nghị quyết cũng xác định huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế; phát huy vai trò kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án tạo động lực phát triển vào KKT Vũng Áng.
Mục tiêu tổng quát mà nghị quyết đề ra là: Xây dựng KKT Vũng Áng với các trụ cột là công nghiệp luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo; trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển; phát triển thương mại, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc.
Phát triển đồng bộ khu liên hợp công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, trung tâm điện lực gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước phát triển thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị trung tâm phía Nam; hình thành thành phố Kỳ Anh, liên kết phát triển vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.
Công ty TNHH UP Hà Tĩnh tại KKT Vũng Áng đã đi vào hoạt động sản xuất ổn định 2 năm qua.
Với những tiềm năng, lợi thế cùng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, KKT Vũng Áng đang dần hiện thực hóa khát vọng một KKT tầm cỡ với nhiều trụ cột về hậu thép, logistics và dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo… góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ PHÁT TRIỂN KKT VŨNG ÁNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030. * Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025: - Thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 3,5 tỷ USD - 5,5 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60 - 70%). - Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15% - 20%/năm. - Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 55.000 - 60.000 tỷ đồng. - Hàng hóa thông qua cảng trên 40 triệu tấn/năm. - Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 7,5 - 8,5 tỷ USD. - Giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động. * Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030: - Thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 4 tỷ USD - 7 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60 - 70%). - Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15% - 20%/năm. - Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 100.000 - 120.000 tỷ đồng. - Hàng hóa thông qua cảng trên 60 triệu tấn/năm. - Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 12 tỷ USD - 14 tỷ USD. - Giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động |
ảnh: pv-ctv
thiết kế: huy tùng