Núi lửa Semeru với độ cao hơn 3.600m là ngọn núi cao nhất trên đảo Java, Indonesia. Chiều 4/12, núi lửa Semeru phun cột tro bụi, khí nóng và dung nham đầu tiên khiến hàng nghìn người hoảng loạn tháo chạy.
Cột tro bụi hình nấm của núi lửa Semeru nhanh chóng trút xuống ít nhất 11 ngôi làng xung quanh.
Theo Cơ quan Địa vật lý và Khí tượng Indonesia, các hình ảnh vệ tinh cho thấy tro của núi lửa đã lan ra Ấn Độ Dương ở khu vực phía Nam đảo Java.
Hàng trăm gia đình phải đi lánh nạn sau khi nhà cửa bị tro bụi và dung nham phá hủy. Trong ảnh: Một nhà máy đang xây dựng bị tro bụi từ vụ núi lửa Semeru phun trào phủ kín.
Vụ phun trào cũng đã phá hủy nhiều tuyến giao thông quan trọng khiến việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ tới các khu vực ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Phần còn lại của một cây cầu bị phá hủy bởi dung nham núi lửa Semeru hôm 5/12.
Giới chức địa phương đang đánh giá tình hình thiệt hại trên thực địa đồng thời thiết lập một vùng cấm với bán kính 5 km xung quanh miệng núi lửa. Lực lượng ứng phó thảm họa tỉnh đang khẩn trương triển khai trại tị nạn, đảm bảo cung cấp thực phẩm, khẩu trang, chăn ấm và nơi trú ẩn cho người dân.
Núi lửa Semeru, đã từng phun trào vào tháng 1 năm nay, không gây thương vong song cũng khiến hàng nghìn người cũng đã phải sơ tán.
Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng lục địa va chạm thường xuyên gây địa chấn và núi lửa hoạt động. Indonesia có gần 130 núi lửa đang hoạt động. Cuối năm 2018, một ngọn núi lửa ở eo biển giữa đảo Java và đảo Sumatra phun trào, gây lở đất ngầm dưới nước và sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng. Trong ảnh: Người đàn ông dắt trâu đi sơ tán sau khi núi lửa Semeru phun trào hôm 4/12.