Khi nhắc đến cụm từ "nghĩa địa máy bay chiến đấu" thì hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay tới căn cứ không quân Davis-Monthan của Mỹ nằm tại sa mạc Arizona.
Nơi đây đang lưu trữ hàng ngàn chiến đấu cơ, vận tải cơ và trực thăng các loại, chúng đều đã được rút ra khỏi thành phần của các phi đội làm nhiệm vụ trực chiến.
Tình trạng của máy bay khi đưa tới đây rất đa dạng, có thể là được bảo quản để tái sử dụng nếu có lệnh điều động, hoặc đơn giản hơn là tháo dỡ lấy phụ tùng hoặc sắt vụn.
Trong nhiều năm qua có khá nhiều chiến đấu cơ tại căn cứ Davis-Monthan đã được "gọi tái ngũ" để trang bị cho chính Quân đội Mỹ hay bán lại cho một số quốc gia đồng minh.
Tuy nhiên, trên thế giới không phải chỉ duy nhất Hoa Kỳ là nơi có các khu nghĩa địa máy bay lớn mà một số nước khác như Pháp, Albania hay cả Nga cũng đều sở hữu, chỉ quy mô nhỏ hơn mà thôi.
Đây là hình ảnh ghi tại căn cứ không quân trong lòng núi mang tên Gjader của Albania, dễ dàng nhận ra số lượng cực lớn tiêm kích do Trung Quốc sản xuất hiện đã hết hạn sử dụng.
Tiếp theo là khu "nghĩa địa máy bay" mang tên La Casse Mirage của Không quân Pháp, nó cũng tương tự như Gjader của Albania khi chỉ là nơi tháo dỡ những máy bay hết hạn sử dụng.
Trong tình cảnh này, thật ngạc nhiên khi biết rằng tại Nga lại đang có một khu lưu trữ máy bay chiến đấu với chức năng gần giống với căn cứ Davis-Monthan của Mỹ nhất.
Một blogger có tên gọi technofetishist mới đây đã đăng tải trên trang instagram của mình những hình ảnh về một căn cứ quân sự của Nga, anh ta từ chối cho biết vị trí cũng như tên gọi cụ thể với lý do bảo mật.
Theo technofetishist, địa điểm này thực chất vẫn là một căn cứ quân sự và được bảo vệ bởi đội ngũ an ninh của Quân đội Nga, tại đây dễ dàng nhận thấy hàng dài tiêm kích MiG-29, MiG-25 và oanh tạc cơ Su-24 đỗ ngay ngắn.
Những máy bay chiến đấu thuộc thập niên 1970 như Su-24 và nhất là MiG-25 (phiên bản R/RU) vẫn được trùm bạt bảo quản cẩn thận là điều gây ra khá nhiều ngạc nhiên
Theo giới thiệu của blogger này thì những máy bay trên đều có thể tái sử dụng, tuy nhiên do tình trạng lạc hậu của chúng mà cơ hội để quay lại bầu trời là gần như không có.