Buôn bán động vật hoang dã còn phức tạp do chế tài chưa đủ sức răn đe

Gần đây, các ngành chức năng ở Hà Tĩnh liên tiếp điều tra, phá nhiều vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm nằm trong sách đỏ với số lượng lớn. Song, "cuộc chiến" này còn lắm gian nan và chưa có hồi kết...

Thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Có những vụ, đầu nậu liều lĩnh dùng ô tô vận chuyển hàng trăm cá thể động vật thuộc loại quý hiếm IB, IIB như hổ, têtê, trút... với khối lượng lên đến gần nửa tấn. Số vụ vi phạm ngày một tăng dày. Có tuần, trên QL 8, ngày hôm trước Công an tỉnh mật phục, bắt được ô tô chở hơn 400 kg; ngày hôm sau, lực lượng Hải quan, Kiểm lâm địa bàn rượt đuổi, túm được xe máy chở hơn 100 kg ĐVHD…

4 cá thể hổ còn sống và gần nửa tấn tê tê cùng xe ô tô vận chuyển trái phép bị lực lượng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh bắt giữ
4 cá thể hổ còn sống và gần nửa tấn tê tê cùng xe ô tô vận chuyển trái phép bị lực lượng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh bắt giữ

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, từ năm 2008 đến nay, trên dọc tuyến biên giới tỉnh ta, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý khoảng 150 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép, tịch thu hàng ngàn cá thể (hổ, gấu, tê tê, rùa, rắn, kỳ đà…) với tổng trọng lượng khoảng 14 tấn. Chưa kể các địa phương khác phát hiện, bắt giữ với số lượng không nhỏ ĐVHD và đối tượng vi phạm khai nhận có liên quan đến vận chuyển qua QL 8.

Theo báo cáo của Phòng cảnh sát môi trường - Công an Hà Tĩnh, do lợi nhuận cao nên việc buôn bán ĐVHD quý hiếm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đầu nậu thường thuê người vận chuyển ĐVHD từ nước ngoài về Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu (trong đó có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) tập kết vào nội địa, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, chúng đã táo tợn sử dụng phương tiện hiện đại, chạy với tốc độ cao, thường xuất phát vào đêm khuya. Trên xe có nhiều bộ biển số giả, thậm chí cả còi hụ, đèn tín hiệu để qua mặt các ngành chức năng.

Đơn cử, mới đây, vào 1h sáng ngày 4-9, tại QL 8A, đoạn qua xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), lực lượng Cảnh sát Môi trường (công an tỉnh) phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển trái phép bốn cá thể hổ còn sống và gần nửa tấn tê tê. Số hàng trên được vận chuyển trên xe Camry cùng 6 bộ biển kiểm soát giả (có cả biển xanh 80B).

Hay là vụ bắt giữ xe Toyota Camry (BKS 30M – 1207) vận chuyển trái phép hơn 400 kg tê tê trên Quốc lộ 8A, thuộc địa phận xã Đức Long, huyện Đức Thọ, vào rạng sáng ngày 11-12-2011. Qua kiểm tra, công an còn phát hiện trên xe có 12 bộ biển kiểm soát giả cùng một số hung khí khác…

Trước khi vận chuyển, bọn chúng thường cho người đi dò đường nếu phát hiện có cơ quan chức năng thì tạm dừng việc vận chuyển hoặc thay biển số để đánh lạc hướng. Một thủ đoạn nữa các đối tượng sử dụng khá phổ biến là việc lợi dụng thủ tục giấy tờ hợp pháp có được trong các phiên đấu giá các loại ĐVHD và các thủ tục giấy tờ hợp pháp trong việc buôn bán, vận chuyển ĐVHD gây nuôi đểbuôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép.

Chưa hết, để qua mặt các ngành chức năng, đầu lậu còn xé nhỏ lô hàng, thuê vận chuyển bằng xe máy, chạy theo các tuyến liên thôn, liên xã. Sau đó mới lần ra đường Hồ Chí Minh hay quốc lộ 1, đi thẳng ra các tỉnh phía Bắc…

Công tác xử lý liên quan đến ĐVHD rất khó khăn, vì khi bị bắt giữ các đối tượng thường bỏ trốn, cơ quan chức năng chỉ tạm giữ được tang vật chứ không xử lý được người vi phạm. Chẳng hạn như rạng sáng ngày 6-9 vừa qua, trên quốc lộ 8, Đội kiểm soát Hải quan (Cục hải quan Hà Tĩnh) phát hiện và bắt giữ 103 kg ĐVHD (kỳ đà còn sống). Lợi dụng đêm tối, đối tượng vận chuyển đã trốn thoát. Nhiều trường hợp bắt giữ được người vận chuyển thì họ không khai ai là chủ hàng và địa điểm nhận hàng cụ thể ở đâu… nên việc xử lý không triệt để.

Cần chế tài mạnh

Mới đây, tại Hội thảo "Thúc đẩy truyền thông góp phần đẩy lùi nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế và Vườn quốc gia Vũ Quang tổ chức, ông Nguyễn Đình Kỳ - Phòng pháp chế (Chi cục Kiểm lâm) cho biết, hoạt động liên quan đến buôn bán, vận chuyển ĐVHD đang có chiều hướng diễn biến phức tạp ở dọc phía đông dãy Trường Sơn, trong đó có khu vực Vườn quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Vì ở đây là nơi có nhiều loài ĐVHD quí hiếm. Cùng với đó, lợi nhuận từ buôn bán ĐVHD trái phép là rất lớn.

Thủ đoạn mà các đối tượng buôn bán ĐVHD sử dụng ngày càng tinh vi
Thủ đoạn mà các đối tượng buôn bán ĐVHD sử dụng ngày càng tinh vi

Một đầu nậu ở Hương Sơn (xin dấu tên) cho biết: Nếu trót lọt một chuyến hàng ĐVHD ra các tỉnh biên giới phía Bắc tiêu thụ, lãi đến 30-40% nên đối tượng vi phạm bất chấp cả pháp luật, dùng thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động sẵn sàng chống trả quyết liệt người thi hành công vụ. Trong lúc đó, lực lượng chức năng mỏng, kinh phí hạn hẹp, hoạt động cú nhát; Việc tổ chức phối hợp giữa các ngành, với nước bạn chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Đặc biệt, ĐVHD đang được xem là đặc sản, là khoái khẩu, làm thuốc chữa bệnh, bổ dưỡng... nhu cầu tiêu thụ ngày một nhiều. Chưa hết, các tổ chức, gia đình nuôi ĐVHD ngày càng gia tăng. Không chỉ có gấu, nhím, lợn rừng, mà giờ đây là hổ, tê giác… Nên công tác đấu trang với nạn buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm lại càng khó khăn hơn.

Cũng tại Hội thảo trên, các ngành chức năng đều cho hay, chế tài xử lý tội phạm về buôn bán, vận chuyển ĐVHD vẫn chưa đủ sức răn đe (Theo Điều 190 BLHS "vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ", mức cao nhất của khung hình phạt là bảy năm tù giam). Một số quy định của luật chưa chặt chẽ nên dễ bị lợi dụng, gây khó khăn trong xử lý.

Ví dụ như vụ việc bắt giữ vận chuyển gần 400 kg têtê trên quốc lộ 8A, ngày 11-12-2011. Sau khi tạm giữ người, phương tiện và tang vật vi phạm để điều tra, xử lý thì trong vòng 24 giờ, lái xe đã xuất trình hợp đồng thuê xe Toyota Camry với chủ phương tiện tại thành phố Vinh (Nghệ An). Quá trình xử lý, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt một tỷ đồng đối với lái xe và người áp tải. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chưa thu được đồng nào tiền phạt vì gia cảnh của đương sự không có khả năng để thực hiện quyết định xử phạt trên; còn phương tiện thì theo quy định đã trả cho chủ phương tiện hợp pháp…

Ngoài việc tuyền truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, thiết nghĩ cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với đầu nậu và đối tượng vận chuyển ĐVHD; ban hành Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ để áp dụng xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự; sớm có các chương trình hợp tác, dự án bảo vệ liên quốc gia để kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn bán, vận chuyển ĐVHD qua biên giới./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast