Hiểm họa từ các hồ đập xuống cấp

(Baohatinh.vn) - Cứ đến mùa mưa bão là hàng trăm hồ đập trên địa bàn tỉnh lại bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Không những thế, khắp các địa phương, người dân cũng đang “vô tư” vi phạm hành lang bảo vệ an toàn hồ chứa.

Lo từ xuống cấp…

Hà Tĩnh hiện có 345 công trình hồ đập, thủy lợi được đưa vào khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Trong đó, phần lớn được đầu tư xây dựng từ lâu nên dưới tác động của thời tiết, các công trình đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, mất an toàn cao, nhất là vào mùa mưa lũ.

Đập Cây Chanh - Sơn Kim 1 (Hương Sơn)
Đập Cây Chanh - Sơn Kim 1 (Hương Sơn)

Để đánh giá đúng thực trạng hệ thống hồ đập hiện nay, Sở NN-PTNT tiến hành rà soát tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn. Qua kiểm tra, phát hiện 128 hồ đập hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần được khắc phục, sửa chữa. Trong tổng số 345 đập của hồ chứa thì có đến 129 đập (chiếm 37,4%) bị thấm thân, vai và nền đập, trong đó có nhiều đập thấm lớn, nước chảy thành dòng; 165 hồ tràn gia cố bằng đá xây hiện đã bị hư hỏng và nhiều hồ chứa đỉnh đập thấp hơn cao trình tràn xả lũ nên khi xẩy ra mưa, lũ, nước tràn qua đỉnh đập, nguy cơ vỡ đập rất lớn. Điển hình là các hồ: Mục Bài, Đập Trạng, Họ Võ (Hương Khê); Vực Rồng, Khe Dẻ, Cơn Trường (Hương Sơn); Khe Làng (Nghi Xuân); Khe Chẹt (Vũ Quang); An Hùng (Can Lộc); Đá Bạc (TX Hồng Lĩnh).

Ông Trần Duy Chiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay: Các công trình này đều được xây dựng cách đây 20-30 năm, nhưng trong thời gian dài không được quản lý, đầu tư sửa chữa, nâng cấp… đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ và đe dọa tính mạng người dân phía hạ lưu… Trong khi đó, để nâng cấp, sửa chữa 129 hồ đập có nguy cơ mất an toàn theo tiêu chuẩn, thiết kế mới thì cần khoảng 2.000 tỷ đồng. Hàng năm, các đơn vị quản lý, địa phương cũng đã tiến hành sửa chữa nhưng theo kiểu “chắp vá’’ nên khó đảm bảo an toàn cho các công trình.

Tình trạng xuống cấp, thậm chí hư hỏng nghiêm trọng các hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa bão năm nay đang khiến các cơ quan quản lý “đau đầu” và người dân lo lắng. Giải pháp trước mắt là các địa phương, đơn vị quản lý hồ đập, công trình thủy lợi phải xây dựng phương án để bảo vệ các công trình và sự an toàn của người dân vào mùa mưa bão...

... đến lấn chiếm hồ chứa

Ông Nguyễn Duy Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh lo lắng: Công ty hiện đang được tỉnh giao quản lý, bảo vệ khai thác 29 hồ đập, công trình thủy lợi thuộc địa bàn 5 huyện, thành phố. Nhưng qua kiểm tra thì hầu hết các công trình trên đang bị người dân lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ và khai thác mặt thoáng lòng hồ. Cụ thể như hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), người dân dựng lán làm nhà ở, dưới lòng hồ thì nuôi trồng thủy sản; hồ Sông Rác (Kỳ Anh) trồng cây lấn chiếm, đập Bún nuôi trồng thủy sản và các hồ đập nhỏ ở các huyện Hương Khê, Kỳ Anh... đều bị lấn chiếm. Trước thực trạng trên, công ty cũng đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết nhưng đến nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

Những công trình do các địa phương, HTX quản lý còn bị lấn chiếm nghiêm trọng hơn. Hiện có 181/345 hồ chứa bị cây cối, nhà cửa nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ, thậm chí có nơi người dân địa phương còn trồng cả cột điện, làm hàng rào chắn ngang thân đập. Điển hình như, các hồ: Khe Cáo, Hà Thông, Ông Vờm… (Hương Khê). Ngoài ra, 84 hồ chứa sử dụng kết hợp nuôi trồng thủy sản, trong đó 33 hồ chứa người dân đóng cọc, làm lưới chắn ngang cửa tràn gây cản trở khả năng thoát lũ, ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm tra, xử lý trước, trong và sau mùa mưa lũ.

Theo ông Trần Duy Chiến, tình trạng các hồ chứa hiện nay đều chưa cắm mốc chỉ giới hành lang quản lý theo Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi nên người dân “vô tư” đào ao thả cá, làm lều quán, bến bãi tập kết và buôn bán vật liệu xây dựng, trồng cây trên mặt đập, mái đập, mặt tràn rất phổ biến. “Tình hình xâm hại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; các công ty kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngành quản lý thủy nông phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để phân định ranh giới, cắm mốc vi phạm quản lý công trình thủy lợi; tăng cường khai thác hiệu quả nguồn nước thủy lợi và “xã hội hóa” công tác quản lý, bảo vệ hệ thống thủy nông; huy động sức dân làm thủy lợi để phục vụ sản xuất và đời sống” - ông Chiến cho biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast