Tận thu gỗ rừng trồng sau bão - Cần “dám chịu trách nhiệm”!

(Baohatinh.vn) - Theo nhiều nhà chuyên môn và một số chủ rừng tại Hà Tĩnh, trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể như hiện nay, thủ tục tận thu gỗ rừng trồng bị gãy đổ sau bão không nhất thiết phải áp dụng cứng nhắc theo Thông tư số 21. Thay vào đó, vẫn có cách giải quyết vẹn toàn để đảm bảo vừa chặt chẽ trong quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, vừa giúp các chủ rừng tận thu nhanh gọn, giảm thiểu thiệt hại.

tan thu go rung trong sau bao can dam chiu trach nhiem

Số gỗ rừng trồng gãy, đổ sau bão số 10 đã được khai thác chưa được chở đi bán vì phải chờ làm thủ tục.

Có thể nói, Văn bản 1873, ngày 20/9/2017 của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh gửi các BQL, các chủ rừng... sau bão số 10 là “rất an toàn”, bởi nó mang tinh thần cốt lõi từ Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT. Thông tư quy định: Trước khi khai thác, tận dụng, tận thu gỗ, phải báo cáo bằng văn bản với cấp thẩm quyền về địa danh, khối lượng gỗ khai thác để tổng hợp báo cáo theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện và xác nhận nguồn gốc gỗ khi lưu thông, tiêu thụ. Theo đó, chủ rừng là tổ chức gửi bảng kê lâm sản đến hạt kiểm lâm sở tại hoặc chi cục kiểm lâm; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gửi bản kê khai lâm sản đến UBND cấp xã.

“Nhưng đó là áp dụng trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường. Còn nếu chúng ta áp dụng ở đây thì không phù hợp, thiếu linh hoạt, sợ chịu trách nhiệm..., thậm chí vô cảm trước những thiệt hại nặng nề về lâm nghiệp nói chung, rừng trồng nói riêng trên địa bàn Hà Tĩnh sau bão số 10...” - một chuyên gia lâm nghiệp nêu quan điểm.

Thực tế hiện nay cho thấy, số gỗ rừng trồng bị gãy, đổ sau bão số 10 tại các đơn vị, chủ rừng cần được tận thu để giảm bớt thiệt hại là rất lớn. Nếu cứ áp theo Thông tư 21 thì chưa biết đến bao giờ mới thực hiện xong các thủ tục để khai thác. Bởi cho đến thời điểm này, hồ sơ tận thu, hồ sơ thanh lý số gỗ gãy, đổ từ bão số 2 tại một số đơn vị cũng vẫn chưa xong!

Để giải quyết một cách vẹn toàn, đảm bảo vừa chặt chẽ trong quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước trong tỉnh đúng luật định, vừa giúp các chủ rừng tận thu nhanh gọn, giảm thiểu thiệt hại..., nhiều nhà chuyên môn, lãnh đạo một số chủ rừng lớn cho là không khó, miễn sao chúng ta thực sự có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm.

tan thu go rung trong sau bao can dam chiu trach nhiem

Số gỗ được khai thác tận thu bán vào cho các nhà máy chế biến trong tỉnh chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ bé so với số gỗ chưa được tận thu.

Theo đó, Sở NN&PTNT cần chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn khẩn trương, tích cực trong tổ chức kiểm tra hiện trường rừng trồng bị thiệt hại sau bão số 10 để có hướng chỉ đạo kịp thời đối với các chủ rừng. Việc này hiện đang được tiến hành nhưng do số diện tích thiệt hại lớn, cây gãy, đổ nhiều, gây khó khăn trong việc đi lại, các đơn vị chuyên môn thiếu nhân lực... nên tiến độ chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với diện tích rừng trồng phòng hộ do dân tự bỏ vốn đầu tư hay Nhà nước đầu tư, nên sớm cho người dân khai thác tận thu những cây gãy đổ nhằm tránh khô héo, hư hỏng. Các BQL, các chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước tỉnh, sở và trước pháp luật trong việc giám sát quá trình thu gom, tận thu và đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Các đơn vị này cũng đảm trách việc hoàn thiện hồ sơ thanh lý rừng theo đúng quy định.

Bằng cách giao cho các BQL, các chủ rừng nhà nước trên địa bàn phát huy vai trò, tự chịu trách nhiệm là một sự linh hoạt hoàn toàn đúng theo Thông tư 21. Việc “hậu kiểm” trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể này về bản chất là sự thúc đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục... tận thu theo Thông tư 21 để giảm thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast