Tiềm năng du lịch Hà Tĩnh trong kết nối tour Việt – Lào

Hà Tĩnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, trên “Tuyến du lịch xuyên Việt”, điểm đầu của tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, có địa hình đa dạng, có núi, có sông, có rừng, có biển, có nhiều di tích lịch sử, nhiều thắng cảnh đẹp; có quốc lộ 8A qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - con đường ngắn nhất từ Lào và các vùng Đông bắc Thái Lan… đi ra biển Đông nên rất thuận lợi cho phát triển du lịch, đặc biệt là trong tour tuyến Việt-Lào…

Đến Hà Tĩnh, du khách sẽ được tham quan những danh lam, thắng cảnh đẹp, hoang sơ như: hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn, khu sinh thái biển Quỳnh Viên - Nam Giới, bãi tắm Xuân Thành, Thạch Hải, Thiên Cầm, Đèo Con…; được thưởng thức nhiều đặc sản như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, kẹo cu đơ… Ngoài những phong cảnh thiên nhiên kỳ vỹ của dãy đất núi Hồng – sông La, đèo Ngang – Hoành Sơn quan.

Du khách Báo Hà Tĩnh trong một chuyến du lịch trên đất nước Triệu Voi
Du khách Báo Hà Tĩnh trong một chuyến du lịch trên đất nước Triệu Voi

Hà Tĩnh còn là một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Đông - Tây”, với hệ thống giao thông đường bộ như quốc lộ 1A, 8A, 12A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường thủy nối với các trung tâm du lịch lớn và các tỉnh trong cả nước cũng như sang nước bạn Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo…

Nơi đây còn là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, là vùng địa linh, nhân kiệt với nhiều danh nhân nổi tiếng như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập; có các di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, Quỳnh viên – Chiêu Trưng, Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, thành Sơn phòng Hàm Nghi… Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 368 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 72 di tích cấp quốc gia; 1 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp (ca trù).

Trên quốc lộ 8A đoạn đi qua Việt Nam có tài nguyên du lịch tư nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng: Tài nguyên tự nhiên có suối nước nóng Sơn Kim; khu du lịch Nước Sốt Sơn Kim với các loại hình dịch vụ tắm khoáng nóng, chữa bệnh, và giải trí.... có Vườn quốc gia Vũ Quang với hệ động, thực vật phong phú có thể phát triển loại hình du lịch nghiên cứu và khám phá... Đặc biệt, ở đây còn có căn cứ địa Phan Đình Phùng là một dấu tích lịch sử oanh liệt, bi hùng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

Về Tài nguyên du lịch nhân văn, theo quốc lộ 8A, có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia và của tỉnh tiêu biểu là di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Chùa Am, chùa Thiên Tượng...; Khu lưu niệm Tồng Bí thư Trần Phú -Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngoài ra còn có các sản phẩm du lịch khác như: hát ví, giặm đang hoàn thiện hồ sơ để UNESCO công nhận là di sản phi vật thể nhân loại. Đặc sản cam bù, nhung hươu Hương Sơn, làng nghề Trường Xuân, mộc Thái Yên, rèn Văn Chàng... là những tài nguyên du lịch phong phú để phát triển du lịch vùng biên giới.

Những năm qua, Hà Tĩnh đã có sự đầu tư mạnh cho lĩnh vực du lịch. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng du lịch giai đoạn 2006-2011 ước tính đạt 1.000 tỷ đồng. Đến nay đã hình thành được các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Thiên Cầm, Khu du lịch Xuân Thành, khu, điểm du lịch như Đèo Con, Nước sốt Sơn Kim, Chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Nguyễn Du, khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác... Toàn tỉnh hiện có 120 cơ sở lưu trú với 2.648 phòng (loại từ 10 phòng trở lên) với tổng số trên 5.000 giường, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, có 4 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao, 24 khách sạn 1 sao và 30 cơ sở đạt chuẩn; có 5 đơn vị kinh doanh lữ hành trong đó 2 đơn vị lữ hành quốc tế.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang tích cực chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn 2030; quy hoạch phát triển du lịch Thiên Cầm trở thành khu du lịch Quốc gia; quy hoạch khu văn hóa – du lịch Nguyễn Du và nhiều quy hoạch, dự án phát triển du lịch khác. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, theo đà phát triển của các dự án lớn, đã có khá nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn như dự án Cáp treo chùa Hương, khu nghỉ dưỡng cao cấp Bắc Thiên Cầm, khu du lịch hồ Tàu Voi – Kỳ Anh, khu trường đua -biệt thự cao cấp và sân golf Xuân Thành... tạo cho bức tranh du lịch Hà Tĩnh có một diện mạo mới đầy hấp dẫn. Từ trung tâm Hà Tĩnh, các tour tuyến du lịch đi các tỉnh của Lào hoặc các tỉnh của Việt Nam sẽ rất tiện lợi vì Hà Tĩnh có vị trí thuận lợi trong mối liên kết vùng để phát triển du lịch.

Bên Tây cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đất nước Lào xinh đẹp và mến khách là điểm đến hấp dẫn mới với sự quyến rũ về cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, văn hoá bản địa đặc sắc, ngày càng được du khách quan tâm. Bên cạnh đó, thị trường du lịch Lào còn có nhiều thuận lợi như nhiều cửa khẩu qua lại với Việt Nam, giao thông thuận lợi, giá cả phải chăng, tuyến du lịch phong phú, đa dạng... Từ cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sang thủ đô Viêng Chăn chỉ khoảng 500 km.

Kiến trúc xứ chùa tháp nguy nga, tráng lệ

Kiến trúc xứ chùa tháp nguy nga, tráng lệ

Trên đất nước Triệu Voi xinh đẹp này, chúng ta có thể có những chuyến du ngoạn lý thú trên những miền đất nên thơ và hấp dẫn. Trong đó, nổi bật có tuyến Nam Lào Savanakhet-Champasac; Trung Lào có tuyến Savanakhet-Viêng Chăn; Bắc Lào có tuyến Viêng Chăn-Vang Viêng –LuangPhabang-Xiêng Khoảng... Những năm gần đây, nước bạn đã có sự đầu tư tương đối cho cơ sở hạ tầng; nhiều điểm dừng nghỉ và một số dịch vụ khai thác dọc đường được hình thành nên hệ thống dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Sang đất nước Lào, bạn không thể không đến Viêng Chăn để được chiêm ngưỡng thủ đô xứ chùa tháp nguy nga, tráng lệ, trong đó nổi bật là cảnh quang That Luong, chùa PhraKeo và chùa Sí Mưng. Bạn sẽ được đến vườn phật Suốn Xiêng Khuôn để chiêm ngưỡng hàng trăm bức tượng sừng sửng được đúc theo Phật thoại; chiêm ngưỡng nét tráng lệ của tượng đài chiến thắng Patuxay (Khải Hoàn môn), đài Anou Savary (đài liệt sỹ vô danh) để hiểu thêm về đất nước và con người của anh em các bộ tộc Lào trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.

Ngoài ra, bạn cũng có thể qua cầu Hữu Nghị sang bên kia sông Mê Kông để đặt chân lên tỉnh NongKhai của đất nước Thái Lan xinh đẹp. Bên nét hiện đại của thủ đô Viêng Chăn, bạn có thể đến chiêm ngưỡng những nét cổ kính của cố đô Luangphabang để nghiêng mình ngưỡng mộ trước những công trình kiến trúc theo lối mái tháp tinh xảo đến từng chi tiết. Đến đây, bạn không thể không đến tham quan những quần thê chùa chiền tráng lệ của Cố đô như chùa Wat Xieng Thong, Wat Visunarath, Wat Mai, và ngôi chùa Phật tích của người Việt bên bờ sông MêKông thơ mộng nếu lúc chiều buông, bạn lên đỉnh Wat Tham Phousi để ngắm hoàng hôn trên sông Mê Kông và toàn cảnh LuangPhabang lúc hoàng hôn buông xuống.

Những lúc chiều buông, bạn cũng có thể ngồi bên giòng Mê Kông mượt mà như dải lụa lững lờ chở phù sa bồi đắp cho hạ du màu mỡ; hoặc, bạn cũng có thể đến tận từng bản làng xa xôi của người Lào mến khách để thưởng thức những búp măng rừng đắng ngọt, những loại thú rừng nướng giòn thơm lựng và say lả lơi với các loại rượu của dân bản trong điệu lamvông quyến rũ đến mê hồn...

Rồi bạn cũng có thể về Xiêng Khoảng để thăm di sản văn hoá Cánh Đồng Chum lịch sử hay đến Viêng Chăn để đến ngôi chùa Mẹ (Wat Simuang) để được các nhà sư người Lào nhân hậu bộc chỉ vào cổ tay mình và cầu nguyện cho mình những điều an lành nhất trước khi rời đất nước Triệu Voi nên thơ và mến khách…

Những năm gần đây, 3 nước Việt Nam – Lào -Thái Lan đã có nhiều hội nghị, hội thảo và nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hoá giữa các nước, trong đó chú trọng đến phát triển du lịch, dịch vụ. Với tiềm năng du lịch và quan điểm hợp tác phát triển của các nước như hiện nay, tin chắc rằng, trong tương lai không xa, du lịch Việt – Lào nói riêng, các nước trong khu vực nói chung sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đưa đời sống kinh tế - văn hoá các nước phát triển lên một tầm cao mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast