Xâm hại rừng phòng hộ đê biển: Đây là sai phạm nghiêm trọng!

(Baohatinh.vn) - Báo Hà Tĩnh điện tử ra ngày 9/8/2016 có bài viết: “Xâm phạm rừng phòng hộ đê biển, chủ tịch huyện không hay biết” phản ánh việc Sở NN-PTNT triển khai Tiểu dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc đã xâm phạm đến rừng phòng hộ tuyến đê Hữu Phủ, thuộc xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà.

>> Xâm phạm rừng phòng hộ đê biển, chủ tịch huyện không hay biết

Sau khi báo đăng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT kiểm điểm trách nhiệm của các bên liên quan và đề xuất phương án xử lý một cách hiệu quả nhất. Nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc, Báo Hà Tĩnh đã có các cuộc làm việc với các ban, ngành liên quan.

xam hai rung phong ho de bien day la sai pham nghiem trong

Đến khi tạm đình chỉ, những máy móc này đã kịp cày xới 4,7ha đất rừng phòng hộ

Trao đổi với ông Hà Văn Trà – Phó BQL Dự án ODA, đại diện cho chủ đầu tư, chúng tôi được biết: Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững bằng nguồn vốn ODA của Hà Tĩnh có 7 tiểu dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án Phúc Lộc, chủ đầu cũng đã thực hiện các quy trình cần thiết và đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tác động môi trường; Sở NN-PTNT thẩm định việc bố trí mặt bằng trạm bơm và các hạng mục liên quan… Tuy nhiên, sau một quá trình triển khai, phát hiện công trình nằm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ nên đã tạm đình chỉ thi công.

“Đây là sai phạm nghiêm trọng, quyết định đến việc tồn tại hay không tồn tại tiểu dự án này. Nếu biết trước đó là rừng phòng hộ, công trình đã không được triển khai.” - ông Trà trao đổi thêm.

Thế nhưng, khi nói về nguyên nhân, ông Trà cũng chỉ cho rằng: Đó là sơ suất trong quá trình kiểm tra, khảo sát thực địa. Quá trình xác lập dự án, triển khai công trình đều có sự tham gia của huyện, xã mà không ai có ý kiến gì. Bản thân BQL Dự án, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu đều không biết đó là đất rừng phòng hộ nên đã bỏ qua các thủ tục chuyển đổi theo quy định.

Lời biện giải của ông Hà Văn Trà là khó được chấp nhận, bởi chủ đầu tư “buộc phải biết”, và trên thực địa, dễ dàng nhận ra đây là đất, rừng phòng hộ với hàng chục héc ta cây ngặp mặn che chắn cho đê Hữu Phủ. Triển khai một công trình giữa rừng đước mà nói không biết, phải chăng BQL Dự án, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đang làm việc trên giấy, trong văn phòng.

Vấn đề này, ông Hoàng Quốc Huấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Theo quy hoạch 3 loại rừng, đây là rừng phòng hộ. Vì vậy, khi triển khai dự án phải mời cơ quan chuyên môn xem xét, lấy ý kiến. Nếu công trình cấp bách, cần thiết thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng. Thế nhưng, tất cả đều không được BQL Dự án thực hiện. Thực tế, khi thi công một số cây đước đã bị chặt hạ. Bây giờ sự việc đã rồi, khắc phục thiệt hại là việc khó nhưng phải làm.”

Đặc biệt, trao đổi về việc công trình triển khai trên địa bàn mà Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà – người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương không hay biết, ông Trà vẫn cho rằng: Chủ đầu tư dự án là Sở NN-PTNT, BQL Dự án chỉ có trách nhiệm báo cáo Sở, UBND tỉnh, còn việc báo cáo lên huyện là của UBND xã và cơ quan chuyên môn cấp huyện.

xam hai rung phong ho de bien day la sai pham nghiem trong

Trạm bơm nước được thiết kế ngay sát chân đê Hữu Phủ

Với quan điểm này, BQL Dự án đã không cung cấp hồ sơ dự án cho huyện Thạch Hà, không có sự phối hợp cần thiết để nảy sinh ra sai phạm. Cần phải xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến kiểu làm việc phớt lờ, cứng nhắc này.

Trao đổi với chúng tôi chiều 21/8, ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Đây là lỗi của cả hệ thống trong suốt quá trình khảo sát, lập đề án, thiết kế, thi công và kiểm tra, giám sát. Sau khi báo nêu, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở NN-PTNT đình chỉ thi công, làm rõ nguyên nhân sai phạm và kiểm điểm nghiêm túc những tập thể, cá nhân có liên quan. Đồng thời, đề xuất phương án giải quyết tối ưu nhất trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

“Lỗi trước hết thuộc về chủ đầu tư, BQL Dự án đã không khảo sát, kiểm tra chặt chẽ, đúng quy trình. Tuy nhiên, đây chỉ là sai sót do chủ quan, không thực hiện tốt các bước chứ không vì mục đích vụ lợi, cá nhân. Cuối tuần qua, Sở NN&PTNT cũng đã tổ chức cuộc họp, kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất phương án xử lý, kỷ luật trình UBND tỉnh ra quyết định.” – ông Nhân chia sẻ.

Về hướng xử lý, theo quan điểm của ông Lê Đức Nhân, đây là quy hoạch đất, rừng phòng hộ nên không thể xâm phạm, phải khắc phục, hoàn trả lại mặt bằng. Để tiếp tục triển khai Tiểu dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc phục vụ cho 12ha diện tích nuôi tôm phía trong đê, có thể điều chỉnh thiết kế bằng kênh dẫn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast