Krasnyi Kavkaz - tàu tuần dương cận vệ đầu tiên của Hải quân Liên Xô

Ngày 25-1-1932, cờ Hải quân Liên Xô được kéo lên trên tuần dương hạm Krasnyi Kavkaz. Đây được coi là ngày chiếc tàu bắt đầu phục vụ lâu dài trong biên chế.

Lẽ ra tàu tuần dương này phải xuất hiện sớm hơn trước đó rất nhiều. Nó được khởi đóng vào ngày 19-10-1913 tại một nhà máy đóng tàu ở thành phố Nikolaev. Trong thời gian đóng, tàu có tên là Balashka và được chế tạo theo mẫu loạt tàu tuần dương Svetlana. Khi hạ thủy, người ta có ý định đặt tên cho nó là Đô đốc Lazarev.

Tuy nhiên, sự bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất, hai cuộc cách mạng và cuộc nội chiến ở Nga đã cản trở mọi kế hoạch. Vì vậy, đến đầu thập niên 1920 con tàu vẫn chưa hoàn thành. Lần đầu tiên nó được ấn định sẽ đóng xong vào năm 1924, nhưng kế hoạch vẫn không được hoàn thành. Năm 1926, chủ đề này lại một lần nữa được đề cập đến và dự án đưa tàu vào hoạt động đã được phê duyệt. Người ta quyết định lấy vũ khí từ những chiếc tàu tuần dương cũ bị thải hồi ở vùng Baltic để lắp vào con tàu này. Thay vì trang bị pháo cỡ nòng 130mm như dự án ban đầu, Liên Xô lên kế hoạch lắp đặt 8 khẩu 203mm có sức công phá mạnh hơn.

Krasnyi Kavkaz - tàu tuần dương cận vệ đầu tiên của Hải quân Liên Xô

Hai chiếc tuần dương cận vệ Krasnyi Kavkaz và Krasnyi Crimea trong một chiến dịch quân sự. Ảnh: Alexei Mezhuev/RIA Novosti.

Năm 1926, tên gọi Krasnyi Kavkaz (Kavkaz Đỏ) được đặt cho tuần dương hạm này, khi đó đang trong giai đoạn hoàn thành. Thời điểm đó, người ta quyết định thực hiện một số thay đổi đối với dự án, nhằm nâng cấp con tàu cho phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và tình hình chiến đấu lúc bấy giờ. Các lò hơi của hệ thống động cơ được chuyển sang hoạt động bằng dầu, đồng thời các tuabin hơi nước kiểu mới dự kiến sẽ được lắp đặt để làm tăng vận tốc. Người ta loại bỏ ống khói thứ ba, thay đổi hình dáng các cột buồm để đặt các trụ máy đo xa nhằm kiểm soát hỏa lực pháo binh, cũng như hoàn thiện kết cấu của thân tàu. Tàu được phủ lớp giáp dày 75mm ở phần dưới và 25mm ở phần trên. Theo phân loại, Krasnyi Kavkaz thuộc lớp tàu tuần dương cơ động hạng nhẹ.

Khác với những tàu tuần dương cũ, ở đây người ta quan tâm đến việc cải thiện điều kiện sinh hoạt của thủy thủ đoàn. Những chiếc giường cố định được lắp thay cho võng, hệ thống sưởi và thông gió hiện đại hơn được sử dụng cho buồng lái. Ngoài ra, các phòng tắm hơi, tắm vòi hoa sen và trạm quân y cũng dự kiến được trang bị.

Krasnyi Kavkaz - tàu tuần dương cận vệ đầu tiên của Hải quân Liên Xô

Các thủy thủ của tuần dương hạm Krasnyi Kavkaz đang nạp đạn cho tàu. Ảnh: Alexander Sokolenko / RIA Novosti.

Theo thời gian cho đến khi đưa tàu vào hoạt động, các loại pháo cũ được thay thế bằng pháo tầm xa cỡ nòng 180mm, vũ khí phòng không ban đầu cũng được thay đổi hoàn toàn. Chẳng hạn, pháo Lender được thay bằng pháo 102mm và súng phòng không bán tự động 45mm. Năm 1934, để trang bị cho tàu Krasnyi Kavkaz, những khẩu pháo cao xạ Minizini cỡ nòng 100mm đã được mua từ Ý.

Trang bị ngư lôi được tăng gấp đôi so với dự án, lên tới 4 quả có cỡ nòng 450mm. Ngoài ra, tàu tuần dương có thể mang theo 55 quả mìn phóng sâu và 100 quả thủy lôi. Ban đầu, tàu được trang bị máy phóng để phóng máy bay trinh sát KR-1, nhưng vào cuối thập niên 1930, người ta tháo dỡ giàn phóng do máy bay này bị loại khỏi biên chế.

Tàu Krasnyi Kavkaz bắt đầu tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vào ngày 23-6-1941, với nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên là gài đặt thủy lôi. Trong tháng 9 năm đó, tàu tuần dương đã bắn vào các vị trí trên bờ của quân địch, tham gia cuộc đổ bộ ở khu vực Odessa. Sang tháng 10, thủy thủ đoàn của tàu tham gia sơ tán quân lính đồn trú ở Odessa, cũng như tham các đoàn tàu hộ tống. Cuối mùa thu năm 1941, Krasnyi Kavkaz đã lai dắt các tàu chiến bị hư hỏng, vận chuyển các đơn vị quân đội từ Sevastopol đến Novorossiysk, cũng như đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của máy bay Đức Quốc xã.

Mùa đông năm 1941-1942, tàu tuần dương này đưa quân tiếp viện, vũ khí và đạn dược đến Sevastopol, tham gia chiến dịch đổ bộ Kerch-Feodosiya, chế áp các trận địa pháo ven biển của đối phương. Trong các trận chiến, nó nhiều lần bị hư hại do bom và đạn pháo gây ra, khiến một số thủy thủ đoàn thiệt mạng. Tuy nhiên, con tàu vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng đến cuối tháng 3-1942, mức độ hư hại (đặc biệt là sau một cuộc không kích lớn ngoài khơi Crimea) trở nên nghiêm trọng và tuần dương hạm được đưa đến cảng Poti để sửa chữa.

Ngay khi bắt đầu sửa chữa, thủy thủ đoàn đã nhận được tin vui. Theo đó, lệnh đặc biệt của Dân ủy Hải quân Liên Xô ngày 3-4-1942 đã phong quân hàm cận vệ cho tàu Krasnyi Kavkaz. Đây là chiếc tàu tuần dương đầu tiên trở thành tàu cận vệ của Hải quân Xô viết.

Krasnyi Kavkaz - tàu tuần dương cận vệ đầu tiên của Hải quân Liên Xô

Tuần dương hạm Krasnyi Kavkaz tại Hạm đội Biển Đen ngày 1-6-1943. Ảnh: Alexander Brodsky / RIA Novosti.

Ngày 26-7-1942, cờ cận vệ đã được mang đến cảng Poti và bàn giao cho thủy thủ đoàn trong không khí trang trọng. Bên cạnh đó, trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhân sự biên chế của tàu đã tăng từ 600 lên 878 người.

Ngày 11-9-1942, Krasnyi Kavkaz lại bắt đầu lên đường thực hiện các chiến dịch quân sự. Năm 1943, tàu tuần dương đã bảo vệ lính đổ bộ tại Malaya Zemlya và tham gia chiến dịch Novorossiysk. Nó kết thúc chiến tranh trên ụ sửa chữa với 64 chiến dịch quân sự.

Cho đến năm 1952, chiếc tuần dương hạm này được sử dụng làm tàu huấn luyện. Sau đó, nó được dùng làm mục tiêu trong các cuộc tập trận và bị đánh chìm trong một vụ thử tên lửa hành trình. Tên gọi Krasnyi Kavkaz chuyển đặt cho một tàu chống ngầm cỡ lớn được đóng vào năm 1967. Chiếc Krasnyi Kavkaz thứ hai này hoạt động trên biển cho đến khi loại khỏi biên chế vào năm 1998.

Theo QĐND

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.