Sáng 23/1, Trường Cao đẳng Nguyễn Du tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch biển đảo”. Tham dự chương trình có Tiến sỹ Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ - Viện sỹ Viện KHCN Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Ngũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa; một số nhà nghiên cứu, đại biểu đến từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. |
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh có đường bờ biển dài 137 km, khu vực lãnh hải rộng khoảng 20.000 km2. Từ xa xưa, cư dân Hà Tĩnh đã gắn bó với biển, hình thành nên nhiều làng chài cổ và đã để lại một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc vùng biển.
Các di sản văn hóa vùng ven biển chiếm số lượng lớn trong hệ thống các di sản văn hóa của Hà Tĩnh, trong đó có nhiều di sản đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đây chính là những tài nguyên du lịch độc đáo, nếu được nghiên cứu bảo tồn, phát huy, khai thác một cách đồng bộ, có chiều sâu sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tiến sỹ Đặng Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du phát biểu đề dẫn hội thảo.
Hội thảo khoa học: “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch biển đảo” nhằm hướng tới nghiên cứu một cách toàn diện các giá trị của hệ thống di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh. Thông qua đó phát hiện những tiềm năng, thế mạnh và làm dậy lên sức sống giá trị của các di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của miền quê núi Hồng, sông La.
Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Ngũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa trình bày tham luận: "Những tác động của việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê đối với hệ thống di sản văn hóa vùng biển Hà Tĩnh".
Hội thảo đã nhận được 30 tham luận từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài tỉnh gửi về. Tại chương trình, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung chính như: Nghiên cứu tiềm năng - các giá trị của hệ thống di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh, bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; làm rõ vai trò, vị trí của hệ thống di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; phân tích tiềm năng và các vấn đề khai thác tiềm năng di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh đảm bảo bền vững, gắn với phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh và hệ sinh thái môi trường biển; thực trạng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh hiện nay và mối quan hệ không thể tách rời giữa bảo tồn di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh và phát triển kinh tế du lịch biển, đảo; một số giải pháp, đề xuất, kiến nghị để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh vào phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch biển đảo...
Tiến sỹ Lưu Ngọc Thành - giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận "Giải pháp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vùng biển Hà Tĩnh góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch biển đảo Hà Tĩnh".
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy ghi nhận sự nỗ lực của Ban chủ nhiệm đề tài và khẳng định, sự đóng góp tâm huyết của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh đã giúp làm sáng tỏ một số giá trị di sản văn hóa vùng biển Hà Tĩnh. Đồng thời đề nghị các nhà nghiên cứu tiếp tục nhận diện rõ hơn những đặc trưng của các giá trị văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh trong sự đối sánh với các vùng, miền biển khác. Từ đó, nghiên cứu tìm ra những giải pháp để khai thác những giá trị này vào phát triển du lịch của Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Tiến sỹ Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại hội thảo.
Bế mạc hội thảo, Tiến sỹ Đặng Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du bày tỏ cảm ơn các nhà nghiên cứu, các đại biểu đã gửi tham luận về hội thảo, cũng như trực tiếp trình bày tham luận, ý kiến đóng góp tại chương trình. Đây là những đóng góp quý báu, góp phần giúp hội thảo thành công và là cơ sở để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục hoàn thành công trình nghiên cứu, phát huy trong thực tiễn.