Video: Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài - Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm
Nỗ lực giữ gìn những “viên ngọc quý”
Trong số 13 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước (số liệu năm 2019) được thế giới công nhận, Hà Tĩnh là địa phương may mắn khi sở hữu 2 di sản quý giá. Đó là dân ca ví, giặm - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014 và ca trù - được UNESCO đưa vào danh sách những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ năm 2009. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc khác, như: trò Kiều, các lễ hội văn hóa…
Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm qua, chính quyền các cấp và Nhân dân các địa phương ở Hà Tĩnh đã nỗ lực giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản mà ông cha để lại.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm bảo tồn di sản văn hóa. (Trong ảnh: Các đại biểu tham gia hội thảo "Một số giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của Di sản văn hóa làng Trường Lưu", tháng 4/2021, ảnh tư liệu).
Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về việc “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo” đã ghi rõ những mục tiêu cụ thể. Cùng với các mục tiêu, nghị quyết cũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho việc bảo tồn.
Cụ thể như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, nâng cao kiến thức trình độ cho các ca nương, kép đàn, nghệ nhân trong lĩnh vực ca trù, trò Kiều; hỗ trợ kinh phí ra mắt 30 triệu đồng và duy trì hoạt động 5 triệu đồng/năm cho các CLB dân ca ví, giặm; hỗ trợ cho mỗi CLB ca trù, trò Kiều thành lập mới 100 triệu đồng và 30 triệu đồng/năm/CLB cho mỗi năm tiếp theo nếu hoạt động thiết thực và bền vững. Ngoài ra, từ năm 2019, đối với nghệ nhân ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều được phong tặng danh hiệu là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân có hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ lần lượt là 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm, ca trù... là những hoạt động thiết thực phục vụ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. (Trong ảnh: Một tiết mục diễn xướng của CLB dân ca ví giặm xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) trong Liên hoan Các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh toàn tỉnh năm 2020).
Trước đó, từ sau năm 2009, khi ca trù được UNESCO xếp vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp và năm 2014, dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hà Tĩnh tự đứng ra tổ chức hoặc đã phối hợp với các tỉnh đồng sở hữu các di sản nói trên tổ chức nhiều kỳ liên hoan ca trù, dân ca ví, giặm toàn quốc hoặc liên tỉnh… Tất cả những nỗ lực đó đã đưa lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, thành công nhất vẫn là lan tỏa những giá trị di sản cũng như ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản đến mỗi người dân.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 157 CLB dân ca ví, giặm, 3 CLB trò Kiều, 2 CLB ca trù đã được thành lập tại các địa phương trên 13 huyện, thị, thành phố. Trong đó có nhiều địa phương tỷ lệ mỗi xã, thị trấn có một CLB đạt ở mức cao, như: Nghi Xuân với 100% xã, thị trấn có CLB dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều; Lộc Hà với 12/12 địa phương có CLB dân ca ví, giặm và trò Kiều; Cẩm Xuyên có 13/23 CLB… Cùng với đó, dân ca ví, giặm cũng đã được các trường học ở nhiều địa phương đưa vào giảng dạy…
Tiết mục xẩm luồn “Khúc hát tình quê” (sáng tác: Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ban) do 3 diễn viên nhí CLB dân ca ví, giặm Nguyễn Du (Nghi Xuân) biểu diễn tại Liên hoan các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2020.
Còn nhiều trăn trở…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, cần tìm hướng đi bền vững.
Can Lộc là một trong những địa phương có truyền thống về dân ca ví, giặm. Từ xưa ở đây đã nổi tiếng với hát ví phường vải Trường Lưu, ví giặm Thiên Lộc… Cho đến nay, Can Lộc đã thành lập được 9 CLB dân ca ví, giặm. Tuy nhiên, số CLB hoạt động hiệu quả đúng với tiêu chí bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn rất ít ỏi, bởi nhiều lý do.
Chị Nguyễn Thị Hảo - Công chức văn hóa kiêm Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Kim Song Trường bày tỏ: “Xã Trường Lưu cũ và nay là Kim Song Trường được xem là một trong những cái nôi của dân ca ví, giặm nhưng thực tế hiện nay, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này ở địa phương chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn”.
Theo chị Hảo, cái khó nhất là thiếu nhân tố hát dân ca ví, giặm. CLB có 15-18 thành viên (con số biến động hằng năm) nhưng ngoài nghệ nhân Nguyễn Thị Hà năm nay đã gần 70 tuổi là Chủ nhiệm CLB thì không có thành viên nào đạt đúng tiêu chí của một nghệ nhân biểu diễn dân ca ví, giặm đúng nghĩa. Lý do được cho là người có khả năng thì không có tâm huyết vào CLB, người trẻ thì không có đam mê. Mặt khác, nếu có đào tạo được một người trẻ tiệm cận với yêu cầu thì các em cũng nhanh chóng rời quê đi học hoặc đi làm… Do đó, CLB rất khó để duy trì hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm.
Các thành viên CLB Ca trù Cổ Đạm tập tiết mục chuẩn bị cho Liên hoan ca trù toàn huyện Nghi Xuân, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2021.
Đồng quan điểm, Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài - Chủ nhiệm CLB Ca trù xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) chia sẻ: “Tìm được hạt nhân trẻ để có thể đào tạo, bồi dưỡng hát ca trù rất khó nhưng cái khó hơn nữa là làm thế nào để họ giữ được đam mê, gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Bởi, ngoài yếu tố thị hiếu và thị trường văn hóa - văn nghệ hiện đại cuốn hút mọi người còn là yếu tố kinh tế. Mặc dù, tỉnh và huyện Nghi Xuân đã có những chính sách hỗ trợ các CLB nhưng đối với cá nhân, con số này rất khiêm tốn”.
Dẫn chứng Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài đưa ra là CLB Ca trù Cổ Đạm có 40 thành viên nhưng chỉ có ông và vợ là Nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng từ năm 2019 lại nay. Còn lại, các thành viên khác, trong đó có nhiều người đã được phong là nghệ nhân nhưng chưa có chế độ gì. Tiêu biểu như gia đình nghệ nhân Đậu Thị Loan có 3 người gồm vợ chồng bà và con gái đều đã theo đuổi ca trù hàng chục năm nay, giành nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan ca trù trong tỉnh và toàn quốc nhưng vẫn không có chế độ gì. Dù vậy, họ vẫn theo đuổi giữ gìn di sản văn hóa của ông cha bằng niềm đam mê, như cách bà Loan chia sẻ: “Mẹ tôi là một nghệ nhân ca trù có tiếng, trước khi mất, bà dặn tôi, bất cứ giá nào cũng phải giữ được và truyền cho con cháu tiếng hát của tổ tiên, quê hương mình”.
Nghệ nhân ca trù Đậu Thị Loan (bên trái ) truyền dạy những làn điệu ca trù kế thừa từ người mẹ của mình cho con gái.
Thiếu hạt nhân nòng cốt khi thế hệ nghệ nhân cũ ngày càng thưa vắng, thế hệ người trẻ có tố chất lại không mặn mà; chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân chưa thỏa đáng… là những nguyên nhân dẫn đến công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Tĩnh gặp khó. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như: thiếu không gian diễn xướng, đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 trong 2 năm qua tác động rất lớn đến các hoạt động văn hóa… cũng khiến cho di sản văn hóa phi vật thể có chiều hướng nhạt dần trong đời sống đại chúng.
Đối với những nghệ nhân có tuổi và những nhà quản lý văn hóa tâm huyết, đó là một thực tế nhiều trăn trở. Như lời của chị Nguyễn Thị Hảo - cán bộ có 9 năm làm công tác văn hóa ở xã Kim Song Trường chia sẻ: “Tôi rất lo dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều…, những di sản văn hóa phi vật thể quý giá của ông cha để lại sẽ dần mai một nếu chúng ta không có những cách làm mới, những chính sách thỏa đáng hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.