Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn: Khao khát tự do mở ra ý tưởng kịch bản phim “Kiều”

(Baohatinh.vn) - Là biên kịch kiêm đạo diễn hình ảnh phim “Kiều”, nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn đã dành nhiều tâm huyết đế chuyển thể Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du lên màn ảnh rộng. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

Video: Trailer phim "Kiều", sẽ khởi chiếu từ ngày 7/4/2021. Nguồn: Internet

- Thưa nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn, điều gì khiến ông quyết định viết kịch bản phim Kiều?

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Phi Tiến Sơn: Nhiều lúc, tôi nghĩ chắc là cụ Nguyễn Du giúp tôi. Đưa Truyện Kiều lên phim là ước muốn không chỉ của tôi mà còn của rất nhiều thế hệ biên kịch - đạo diễn. Tuy nhiên, có lẽ vì tầm vóc của tác phẩm quá lớn, cộng với sự khác biệt đặc trưng về ngôn ngữ thể hiện (thơ và điện ảnh) nên từ trước đến nay chưa ai làm.

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn: Khao khát tự do mở ra ý tưởng kịch bản phim “Kiều”

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn

Cách đây 2 năm, trước quyết tâm của nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức nghiên cứu để tìm ý tưởng, một “từ khóa” cho kịch bản nhưng vẫn bế tắc. Vì nếu chỉ “dịch” cốt truyện sang hình ảnh và lời thoại thì không khó nhưng khán giả hôm nay, nhất là khán giả trẻ chờ đợi nhiều hơn thế.

Cho đến một lần, tôi chợt mường tượng, rằng 200 năm trước Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trong hoàn cảnh nào? Hẳn, cụ rất trăn trở với thân phận nàng Kiều, day dứt với khao khát tìm tự do của nàng và cả tự do sáng tác cho chính mình nữa. Từ khóa “khao khát tự do” được mở. Đó cũng là lúc, tôi tìm ra ý tưởng viết kịch bản phim “Kiều”.

- Ông gặp khó khăn gì khi chuyển thể kịch bản phim "Kiều" từ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du?

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Phi Tiến Sơn: Chúng ta đều biết thiên truyện kể về quãng đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Chất liệu văn học và cuộc sống quá tầm cho một bộ phim điện ảnh thời lượng 100 phút. Hơn nữa, với 3254 câu thơ, mỗi câu đều hàm chứa ý nghĩa sâu sắc; hàng trăm tình huống kịch tính, sinh động; hàng chục nhân vật được khắc họa với tính cách tâm lý phức tạp… Đó là thử thách rất lớn cho việc lựa chọn lấy, giữ gì, lược đi cái gì. Nếu kịch bản bớt đi rồi sẽ kết nối câu chuyện ra sao? Dùng phong cách điện ảnh nào?... Đó đều là những khó khăn khi tiến hành xây dựng kịch bản.

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn: Khao khát tự do mở ra ý tưởng kịch bản phim “Kiều”

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn (giữa) trong buổi giao lưu ra mắt phim “Kiều” tại Trường Đại học Hà Tĩnh

- Vì sao ông chọn giai đoạn sau khi Thúy Kiều bán mình chuộc cha rơi vào lầu xanh và gặp Thúc Sinh để xây dựng kịch bản phim "Kiều"?

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Phi Tiến Sơn: Trong cuộc đời Thúy Kiều có 3 mối tình mà nàng đều say đắm, nặng tình nặng nghĩa. Với Kim Trọng là thắm thiết lãng mạn của mối tình đầu, với Thúc Sinh là lãng tử nồng nhiệt, với Từ Hải là mối tình điển hình “anh hùng - mỹ nhân”. Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn mối tình với Thúc Sinh làm trọng tâm. Chúng tôi cho rằng, đây là mối tình gần với cuộc sống nhất, đời nhất, người nhất, và cả “hiện đại” nhất. Bi kịch của mối tình này cũng “thật” hơn, dễ hiểu và đồng cảm hơn.

Trong mối quan hệ này, cả ba nhân vật Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư đều được đẩy đến tột cùng của yêu thương và đau khổ. Trong đó, nhân vật Thúc Sinh được chúng tôi bồi đắp thêm chất lãng mạn của Kim Trọng và chất trượng phu của Từ Hải để thể hiện rõ hơn thông điệp của phim là: “Khát khao tự do, giải phóng con người”.

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn: Khao khát tự do mở ra ý tưởng kịch bản phim “Kiều”

3 nhân vật chính trong bộ phim điện ảnh “Kiều” là Thúc Sinh - Kiều - Hoạn Thư. Ảnh: internet

- Vậy, thông điệp đó được thể hiện trên phim thế nào?

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Phi Tiến Sơn: Thúy Kiều vùng vẫy tìm cách thoát khỏi “địa ngục” lầu xanh, đi theo tiếng gọi của trái tim khao khát yêu thương và mạnh mẽ chống lại định mệnh, đi tìm tự do. Nàng là hiện thân cho nữ quyền.

Thúc Sinh yêu Kiều không chỉ vì nàng có tài có sắc, mà còn vì chàng tìm thấy ở nàng khát vọng đó. Chính Thúc Sinh cũng đang bị giam cầm trong hoàn cảnh hôn nhân của mình. Làm rể một gia đình quyền thế, dưới ánh mắt khinh bạc của bà mẹ vợ tinh quái, Thúc Sinh chỉ muốn thoát ra ngoài đi buôn để giải phóng con người nghệ sĩ trong chàng.

Gặp được Kiều, cứu nàng, đưa nàng đi thật xa để thoát khỏi mọi ràng buộc xã hội, nơi chỉ có thiên nhiên phóng khoáng, có trời xanh và có nhau… Bi kịch của Thúc Sinh là bi kịch của người đàn ông tài hoa, giỏi giang, tử tế nhưng bất lực không cứu nổi người phụ nữ mình yêu.

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn: Khao khát tự do mở ra ý tưởng kịch bản phim “Kiều”

Trình Mỹ Duyên - nữ diễn viên thể hiện vai Thúy Kiều trong phim “Kiều”.

Hoạn Thư yêu Thúc Sinh trong áp lực định kiến phong kiến nặng nề. Nàng trói buộc Thúc Sinh vì danh giá gia tộc hơn là vì con tim. Nàng chịu áp lực của Hoạn Bà - người mẹ ích kỷ tàn nhẫn, đại diện cho tầng lớp quan lại thời đó. Chính Hoạn Thư cũng bị giam cầm trong địa vị, trong cái phẩm tiết mơ hồ của mình. Chắc hẳn, trong lòng, nàng cũng khao khát thoát ra, tìm đến tự do! Canh bạc hành hạ sỉ nhục Kiều và Thúc Sinh là hành động cuối cùng để Hoạn Thư thể hiện điều đó.

- Ông đánh giá thế nào về mối liên hệ Nguyễn Du - Truyện Kiều và quê hương Hà Tĩnh?

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Phi Tiến Sơn: Tài năng thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du đã được thế giới ngợi ca, ngưỡng mộ, riêng tôi, ngoài điều đó, tôi nể trọng tầm vóc tư tưởng của cụ. Hai trăm năm trước, giữa màn đêm tăm tối hà khắc của chế độ phong kiến, “Đoạn trường tân thành” là tiếng thét hiếm hoi và dũng cảm ca ngợi khát vọng tự do, bênh vực quyền con người.

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn: Khao khát tự do mở ra ý tưởng kịch bản phim “Kiều”

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn cùng đoàn làm phim “Kiều” chụp ảnh kỷ niệm trước mộ Đại thi hào Nguyễn Du nhân dịp đoàn về Hà Tĩnh báo cáo hoàn thành bộ phim.

Có được nhân cách và tài năng đó, tôi nghĩ con người đó phải được sinh ra trong một cái “nôi” đặc biệt, một vùng đất đặc biệt. Tôi đã đến Hà Tĩnh nhiều lần và cảm nhận được con người và xứ sở này thấm đẫm văn chương và tình người.

Nếu Nguyễn Du sinh ra ở một vùng đất khác, có lẽ, chúng ta sẽ có một Nguyễn Du khác. Chỉ có vùng đất này mới sinh ra được Nguyễn Du và ngược lại ông cũng đã làm rạng danh quê hương.

Video: Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn nói về mối liên hệ giữa Đại thi hào Nguyễn Du với quê hương Hà Tĩnh

- Ông có dự định gì về điện ảnh cho tương lai?

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Phi Tiến Sơn: Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, chất thi ca đậm nét trong từng người dân. Ngoài Nguyễn Du và Truyện Kiều, tôi còn rất tâm huyết với Nguyễn Công Trứ, một danh nhân lỗi lạc sinh ra từ Hà Tĩnh. Tôi muốn trở về nơi này để tìm hiểu và có thể có một bộ phim về con người và mảnh đất Hà Tĩnh trong tương lai.

Xin cảm ơn ông! Chúc ông sức khỏe và thành công hơn nữa trên lĩnh vực điện ảnh.

Nghệ sỹ ưu tú Phi Tiến Sơn sinh năm 1954 tại Hà Nội. Ông từng tốt nghiệp khoa đạo diễn, Trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội và là đạo diễn, biên kịch nhiều bộ phim nổi tiếng. Tiêu biểu, ở lĩnh vực điện ảnh có: Vào Nam ra Bắc (2001- bằng khen LHP Việt Nam lần thứ XIII), Lưới Trời (Cánh diều vàng 2002), gần đây có Vũ điệu đam mê (2012), Lạc giới (2014)... Lĩnh vực phim truyền hình, NSƯT Phi Tiến Sơn cũng để lại nhiều dấu ấn, như phim: Người vác tù và hàng tổng, Nhà có nhiều cửa sổ, Lập trình cho trái tim...

(thực hiện)

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...