Lấn chiếm lòng đường phơi lúa trên đường Xô viết Nghệ Tĩnh (TP Hà Tĩnh)...
Lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi tuốt lúa, phơi rơm luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ngày 19/5/2018, tại Km 529+300 trên QL1A đoạn qua xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, bà Nguyễn Thị Ch. (52 tuổi) đang phơi lúa thì bị chiếc xe tải mang BKS 37C - 05083 đâm chết tại chỗ là 1 minh chứng điển hình.
Thậm chí, trên đường Nam cầu Cày đi Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh), người dân tuốt lúa xong, "quên" rơm giữa đường.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn nói trên, ngày 21/5/2018, UBND tỉnh có Công văn số 2853/UBND-GT1 về việc đảm bảo ATGT trong mùa thu hoạch nông sản, chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Mới đây, ngày 6/9, Ban ATGT tỉnh có Công văn số 88/BATGT-VP gửi các ngành, địa phương vào cuộc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi phơi rơm, lúa. Mặc dù công văn được triển khai rất sớm nhưng dường như: "Trên cứ cấm, dưới cứ phơi!".
Đường Nam cầu Cày đi Thạch Đồng là "điển hình xấu" của việc lấn chiếm lòng, lề đường phơi nông sản
Trong những ngày này, từ thành thị đến nông thôn, từ đường làng ra quốc lộ, đâu đâu cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi tuốt, phơi lúa. Trên đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn; QL 8A, QL 1A, tuyến tránh TP Hà Tĩnh… tuy mức độ phơi nhiều ít khác nhau, nhưng hầu như nơi nào cũng có.
Tại đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Hương Sơn cũng xảy ra tình trạng này
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Minh Việt - Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Mặc dù tỉnh, Ban đã có công văn chỉ đạo trực tiếp nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Chúng tôi đã chỉ đạo, đôn đốc, còn việc thực hiện, trách nhiệm chính là các địa phương, CSGT, Thanh tra giao thông. Các cơ quan truyền thông, ngành chức năng cũng cần tăng cường phối hợp tuyên truyền để việc chấn chỉnh vi phạm đạt hiệu quả hơn".
Việc người dân “đến hẹn lại lên”, cố tình vi phạm như thế này rất cần sự vào cuộc thực sự của chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng để mạnh tay xử lý. Nếu không làm quyết liệt thì nguy cơ tai nạn giao thông luôn thường trực mỗi khi mùa thu hoạch lúa về.