“Làng Đức Thọ” ở thủ phủ hương trầm miền Tây xứ Nghệ

(Baohatinh.vn) - Làng nghề hương trầm nổi tiếng ở huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An chủ yếu là bà con xã Đức Tân (Đức Thọ, Hà Tĩnh) lên định cư, lập nghiệp từ năm 1980. Những ngày áp tết, không khí sinh hoạt, sản xuất tại làng trở nên hối hả, khẩn trương hơn.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, hương trầm Quỳ Châu đã nức tiếng khắp nơi bởi loại hương này được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu sẵn có của vùng núi cao, có mùi thơm đặc trưng, ngọt ngào, gợi không khí tết.

“Làng Đức Thọ” ở thủ phủ hương trầm miền Tây xứ Nghệ

Nằm dọc quốc lộ 48, diện mạo bản miền núi Tân Hương ngày nay đã khang trang, sầm uất hơn.

Chị Phan Thị Hồng - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết, để có những búp hương trầm gửi đến muôn nẻo quê ngày tết, bà con các bản người Thái ở huyện Quỳ Châu đã vào rừng từ cách nay 6 tháng để thu hái rễ hương, lá quế về phơi sấy, chế biến nguyên liệu hương; chặt cây lùng về ngâm, phơi để làm chân hương. Bên cạnh đó, bà con còn nhập thêm giấy, hoa hồi, thảo quả, cam thảo từ một số địa phương khác để trộn lẫn tạo mùi hương đậm nồng bản sắc xứ Phủ Quỳ không nơi nào có.

“Làng Đức Thọ” ở thủ phủ hương trầm miền Tây xứ Nghệ

Cây rễ hương trồng ở Quỳ Châu.

Để mục sở thị những cơ sở làm hương trầm ở bản Tân Hương, ông Cao Xuân Thắng - Bí thư Chi bộ bản Tân Hương cùng chị Phan Thị Hồng dẫn tôi đến cơ sở sản xuất hương trầm của chị Hồ Thị Hoa (SN 1968).

Chị Hoa quê xã Đức Tân (Đức Thọ), di dân lên Quỳ Châu từ năm 1980. Sau những năm tháng vất vả vỡ đất khai hoang làm rẫy trồng sắn, trồng lạc, chị đã bắt nhịp với nghề hương trầm nơi đây, cuộc sống gia đình từ đó dần ổn định. Vợ chồng làm được nhà, nuôi các con khôn lớn và còn mua được xe ô tô.

“Bố mẹ tôi có 4 người con đều định cư ở đây. Hiện ai cũng có gia đình, cuộc sống ổn định. Nhà tôi chuyên làm hương, đến vụ thường thuê 5 nhân công ở các bản lân cận phối hợp với gia đình cùng làm. Bình quân mỗi năm bán được khoảng 80 vạn que hương, nhiều nhất là vào vụ tết”, chị Hoa chia sẻ.

Được biết, sản phẩm hương trầm Quỳ Châu của cơ sở sản xuất Hoa Hiển do chị Hồ Thị Hoa làm chủ không chỉ phân phối tại địa phương mà còn được nhập về bán ở các huyện Đức Thọ, Can Lộc (Hà Tĩnh) và một số địa phương tỉnh Quảng Bình.

“Làng Đức Thọ” ở thủ phủ hương trầm miền Tây xứ Nghệ

Nghề làm hương trầm tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở Quỳ Châu.

Ông Phạm Nhâm (94 tuổi, quê xã Đức Tân, Đức Thọ) là một trong những công dân bản Tân Hương từ buổi sơ khai lập bản. Lên Quỳ Châu định cư, lập nghiệp từ năm 1980, nhờ nghề làm hương, vợ chồng ông cùng 8 người con có cuộc sống ổn định.

“Làng Đức Thọ” ở thủ phủ hương trầm miền Tây xứ Nghệ

Đóng gói hương trầm để chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ.

Ông Cao Xuân Thắng - Bí thư Chi bộ bản Tân Hương cũng vì yêu mến mảnh đất này mà lên đây định cư. Quê ở Diễn Châu, năm 1997, trong một lần đến Quỳ Châu để giải quyết công việc, ông nhận thấy vùng đất này có cộng đồng người xuôi rất năng động nên quyết định mua đất và chuyển cả gia đình lên.

Có hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ nên ông Thắng nắm rất rõ những cột mốc phát triển của bản. Ông kể, bà con xã Đức Tân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh lên Quỳ Châu, Nghệ An từ năm 1980, lúc đầu chỉ có 17 hộ, nay đã hơn 200 hộ với 846 khẩu. Đến thời điểm này, bản không còn hộ nghèo. Năm 2010, bản được nhập vào thị trấn Tân Lạc. Bà con sinh sống bằng nghề trồng lạc, đan lát cót dè, làm bún bánh, đậu phụ, hương trầm. Năm 2011, bản Tân Hương được công nhận “Làng có nghề hương trầm”. Năm 2012, tỉnh Nghệ An cấp chứng chỉ công nhận “Làng nghề hương trầm Quỳ Châu”. Ngoài làm hương trầm nức tiếng, 74 hộ còn chuyển sang làm các nghề dịch vụ mang lại thu nhập cao.

“Làng Đức Thọ” ở thủ phủ hương trầm miền Tây xứ Nghệ

Bí thư Chi bộ bản Tân Hương Cao Xuân Thắng (bên phải) và ông Phạm Nhâm.

Sau khi địa phương được công nhận là làng nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân có nhiều thuận lợi. Nhiều gia đình mỗi năm thu lãi từ nghề làm hương trầm khoảng 200 - 300 triệu đồng; có gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 25 lao động với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Diện mạo bản Tân Hương ngày một đổi thay là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân. Với ý chí và sự năng động, bà con bản Tân Hương đã làm rạng danh truyền thống người Hà Tĩnh trên vùng núi rừng hoang vu, không có ruộng nước, khó canh tác trở thành bản làng ấm no, hạnh phúc ở tỉnh Nghệ An.

Mỗi dịp tết, các làng nghề làm hương trầm của thị trấn Tân Lạc sản xuất hàng triệu que hương cung cấp ra thị trường, được nhiều địa phương trong cả nước đón nhận, thậm chí nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài cũng háo hức nhận quà là hương trầm Quỳ Châu từ người thân gửi sang. Mỗi năm, bình quân doanh thu từ hương trầm của thị trấn Tân Lạc đạt trên 38 tỷ đồng.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...