Bước tới ngõ lò rèn Trung Lương đã nghe rộn ràng tiếng búa đập vang lên theo từng công đoạn rèn dao, mài liềm, tất bật để chuẩn bị đưa ra cung ứng ra thị trường những sản phẩm phục vụ dịp Tết.
Dịp tết là khoảng thời gian bận rộn nhất của làng rèn
Lò rèn của ông Bùi Văn Lâm (thôn Tân Miếu), người thợ lâu năm nhất của làng nghề luôn đỏ rực lửa. Gần 40 năm theo nghề, ông Lâm chia sẻ dịp Tết là khoảng thời gian bận rộn nhất, số lượng người đặt rèn các loại dao để sử dụng tăng lên.
Mỗi ngày, vợ chồng ông Lâm bắt đầu công việc từ lúc 4 giờ sáng. Các công đoạn để làm ra 1 con dao gồm: cắt sắt, nung bếp lò, the mỏng, làm nguội, rẻo dáng, tôi, mài. Trung bình, mỗi ngày, vợ chồng ông làm được khoảng 24 con dao; mỗi chiếc bán khoảng 25 - 30.000 ngàn đồng/chiếc.
Phụ nữ làm những công việc nhẹ nhàng hơn như làm cán, tôi, mài...
“Tết đến, dao là mặt hàng bán chạy hơn so với những mặt hàng khác như cuốc, xẻng… Bên cạnh làm theo đơn đặt hàng, mình còn trực tiếp bày bán tại các chợ đầu mối, phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Với chất lượng sản phẩm uy tín, đảm bảo, sản phẩm từ nghề rèn Trung Lương được nhiều người ưa chuộng, tìm mua hơn” – chị Cao Thị Song, vợ ông Lâm chia sẻ.
Sản phẩm từ nghề rèn Trung Lương được nhiều người ưa chuộng, tìm mua
Bận rộn không kém, lò rèn của anh Nguyễn Ngọc Quý cũng phập phùng ánh lửa để sản xuất nên những chiếc dao rựa. Những ngày cuối năm này, để có thể cho ra lò 40 chiếc dao rựa mỗi ngày, hai vợ chồng anh phải bắt tay vào công việc từ 4h sáng, cần mẫn từng công đoạn để kịp tiến độ giao hàng cho khách.
Phần lớn khách của anh Quý là “bạn hàng quen” ở các khu vực lân cận TX Hồng Lĩnh. Thỉnh thoảng, một vài đơn đặt hàng ở ngoài tỉnh cũng là động lực để anh cùng nhiều người thợ khác ở làng rèn Trung Lương gắn bó với nghề.
Những ngày cuối năm này, lò rèn của anh Quý cho ra lò 40 chiếc dao, rựa mỗi ngày
Anh Quý chia sẻ: “Làm nghề thủ công truyền thống nên có tận dụng hết sức mỗi ngày cơ sở cũng chỉ tạo ra khoảng chục sản phẩm. Vì thế, trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm dao công nghiệp ở thị trường, các lò rèn thủ công ở Trung Lương này chỉ biết lấy ngày công để kiếm lời, như một cách để giữ nghề của cha ông”.
Ngoài dao, liềm, rựa, làng nghề nổi tiếng Hà Tĩnh còn có lò rèn của anh Kiều Minh Cương, là lò duy nhất chuyên sản xuất những vật dụng cho thợ làm mộc. Những sản phẩm này cũng được bán cả trước và sau tết, phục vụ chủ yếu cho những người thợ mộc ở làng Đức Bình (xã Thái Yên, Đức Thọ).
Các sản phẩm của lò rèn anh Kiều Minh Cương chủ yếu vẫn được làm thủ công
Thay vì làm hoàn toàn bằng thủ công, khoảng vài năm trở lại đây, có đến 80% cơ sở rèn đầu tư máy móc vào sản xuất để thay thế vào công đoạn như dập sắt và nện thép, nâng cao năng suất lao động. Thế nhưng, đối với lò rèn của anh Cương không thể sử dụng máy móc mà phải làm bằng tay mới cho ra đời được những vật dụng nhỏ hỗ trợ người thợ mộc đẽo cửa, khắc chạm…
“Đối với các dụng cụ sắt phục vụ cho thợ làm mộc thì các công đoạn vẫn phải làm thủ công. Đây cũng điểm làm nên chất lượng của sản phẩm, giúp thương hiệu làng rèn Trung Lương luôn được ưa chuộng” - anh Cương chia sẻ.
Sản phẩm phong phú, chất lượng, uy tín luôn được lòng người tiêu dùng, hứa hẹn một cái tết đủ đầy, no ấm cho người dân
Với 110 hộ rèn, 7 doanh nghiệp, 24 cơ sở, hộ sản xuất, sửa chữa gia công cơ khi trên địa bàn, làng rèn Trung Lương những ngày cuối năm càng thêm tập nập, rộn ràng.
Dù phương thức tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở rèn ở Trung Lương vẫn chủ yếu là bán ở chợ, nhập sĩ cho đầu mối, tuy nhiên, các sản phẩm phong phú, chất lượng, uy tín luôn được lòng người tiêu dùng, hứa hẹn một cái tết đủ đầy, no ấm.