Lớn hơn một chút, tôi lại ngâm nga những ca từ trong bài hát của Văn Cao: “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung”. Theo tháng năm của hành trình cuộc sống, 2 từ “làng tôi” càng ngân vang trong lòng. Tôi cũng nghe được nhiều người nói về quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn của họ với những cảm xúc đầy thương mến và tự hào.
Ảnh minh họa từ internet
Làng tôi, một địa danh không cụ thể, nhưng lại rất riêng. Làng tôi gọi lên vừa mang nét sở hữu rất đáng yêu của một cá thể luôn gắn với nơi mình sinh ra và lớn lên, vừa mang tính xác định rõ rệt trong ký ức của rất nhiều người. Làng tôi, quê tôi, phố tôi… gợi nhớ cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre cong uốn câu. Nơi mỗi chiều mặt trời khuất xuống nhường chỗ cho vầng trăng nhô lên. Nơi bãi ngô, nương lúa, vườn dâu trù mật và con sông mang chở phù sa nuôi nấng bao thế hệ cư dân. Nơi con đê như một bức tường chở che cho làng suốt mùa mưa bão và nâng những bước chân trẻ thơ chạy theo con diều no gió.
Nơi mỗi gốc cây trước nhà, mùi hương nhài, hương dạ lan hay hương hoa sữa dịu ngọt, làn khói lam chiều, mùi cơm gạo mới bừng dậy bao nỗi nhớ và khát thèm. Khát thèm bữa cơm mùa đông ấm áp bên bếp nhỏ bập bùng có dáng hình tảo tần thân quen của mẹ, có bờ vai chai sần theo năm tháng vì seo cày của cha, mùi trầu cay quen thuộc của bà và tiếng em thơ nô đùa mỗi tối. Khát thèm một buổi chiều bình yên thả hồn theo con đường làng thơm mùi lúa chín, thơm mùi hương hoa dẻ, ngắm nhìn nơi bản quán thân yêu mà quên đi mọi lo toan, vướng bận, nhọc nhằn mưu sinh nơi phố thị. Khát thèm một tiếng gọi âu yếm của mẹ cha, anh chị như những ngày thơ bé.
Đại văn hào I-li-a Ê-ren-bua thật có lý khi định nghĩa về lòng yêu nước: “Lòng yêu nước ban đầu từ yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Dòng suối nhỏ đổ về sông, sông đổ ra đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên tình yêu Tổ quốc”.
Làng tôi, phố tôi, quê tôi, nơi mỗi người ra đi từ thời thơ bé hoặc từ tuổi thanh niên và trở về khi tóc đã ngả màu sương khói. Cũng có người chỉ suốt đời hoài vọng về nơi ấy mà không thể trở về. Nhưng đó là nơi ta sở hữu những ký ức trong veo, tình thương mến ngọt ngào. Đó là điểm tựa cho mỗi người lớn lên, trưởng thành, vượt qua mọi khó khăn, vấp ngã để mà đi đến đích cuộc đời đã xác định.
Làng tôi, bao yêu mến tự hào!