Tình hình Lào vẫn nóng bỏng
Hôm 27/4, Lào ghi nhận thêm 75 ca nhiễm Covid-19 mới, được xác định từ 2.000 mẫu xét nghiệm thực hiện trong 24 giờ qua. Trong đó, số người nhiễm bệnh ở thủ đô Vientiane tăng cao trở lại, với 59 trường hợp.
Như vậy là với 75 ca mắc mới trong ngày, số người nhiễm Covid-19 ở Lào đã vượt mốc 500, với tổng cộng 511 ca. Hầu hết bệnh nhân phát bệnh từ trung tuần tháng 4, thời điểm ổ dịch cộng đồng ở thủ đô Vientiane bùng phát. Hiện đã có 15/18 tỉnh của Lào có dịch, gồm 9 tỉnh giáp biên với Việt Nam. Đáng chú ý đã có 10 người Việt mắc Covid-19, tất cả đều ở thủ đô Vientiane và đã chấp hành việc cách ly điều trị tại bệnh viện.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Lào.
Bộ Y tế Lào cho biết, việc truy vết, xét nghiệm cho các đối tượng nghi mắc Covid-19 vẫn đang được triển khai tích cực, đồng thời kêu gọi những người có nguy cơ do từng tiếp xúc gần với các bệnh nhân, cần tự cách ly tại nhà để theo dõi diễn biến sức khỏe.
Công tác chuẩn bị nguồn lực ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được hoàn thiện, các bệnh viện dã chiến ở thủ đô Vientiane có thể tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp số ca nhiễm gia tăng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, ông Phouthon Muangpak cũng cho biết, một tình trạng đáng lo ngại là nhiều người đi xét nghiệm Covid-19 ở các trung tâm dã chiến đã không thực hiện nghiêm yêu cầu tự cách ly 14 ngày như qui định; có người sau khi lấy mẫu xét nghiệm đã đi nhiều nơi và được xác nhận dương tính sau đó, trở thành nguồn lây trong cộng đồng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào kêu gọi toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Lào bình tĩnh; tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; cân nhắc kỹ việc về nước trong thời điểm hiện nay; chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch do Chính phủ Lào ban hành, thực hiện giãn cách xã hội, không rời khỏi nơi cư trú trừ trường hợp khẩn cấp trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa; đồng thời nhấn mạnh, đây là trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và nhân dân Lào anh em.
Australia hỗ trợ vật tư y tế giúp Ấn Độ đối phó với Covid-19
Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát tại Ấn Độ, hôm 27/4 chính phủ Australia quyết định hỗ trợ nhiều vật tư y tế để giúp nước này vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sau cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia vào ngày hôm nay, chính phủ Australia đã quyết định cung cấp một số trang thiết bị, vật tư y tế để giúp Ấn Độ đối phó với Covid-19. Cụ thể, Australia sẽ cung cấp 509 máy trợ thở, 1 triệu khẩu trang y tế cùng hơn 700.000 thiết bị bảo hộ cá nhân khác như tấm chắn giọt bắn và găng tay y tế... Chính phủ Australia cũng sẽ bắt đầu mua 100 thiết bị tạo oxy và bồn chứa cùng vật tư tiêu hao để gửi tới Ấn Độ.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, hy vọng, các trang thiết bị này sẽ được chuyển đến Ấn Độ vào tuần tới đồng thời cho biết đây là những hỗ trợ ban đầu, tiếp sau đây, Australia sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ấn Độ.
Ông Morrison nói: "Ấn Độ là người bạn tuyệt vời, là đối tác chiến lược của Australia. Là những quốc gia dân chủ, hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành và sẵn sàng giúp đỡ nhà nước Ấn Độ, người dân và Thủ tướng Ấn Độ Modi. Họ là những người bạn thân thiết của Australia và chúng ta sẽ sát cánh bên họ trong giai khoạn khủng hoảng tồi tệ này”.
Bên cạnh việc hỗ trợ các trang thiết bị y tế cần thiết cho Ấn Độ, từ nay cho đến ngày 15/5 tới, Australia cũng tạm dừng tất cả các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Ấn Độ cũng như các chuyến bay qua các điểm chung chuyển khác như Doha, Singapore, Dubai, Kuala Lumper và cả các chuyến bay hồi hương công dân cho chính phủ Australia tổ chức. Thủ tướng Morrison cho biết, quyết định này được đưa ra nhằm giảm tải cho các khu cách ly tại Australia song cũng cho biết đây chỉ là quyết định tạm thời và Australia sẽ xem xét lại quyết định này sau ngày 15/5 tới để có thể đưa khoảng 8000 người dân nước này đang mắc kẹt tại Ấn Độ về nước.
Số ca tử vong do Covid-19 vượt ngưỡng 1 vạn, Nhật Bản lập trung tâm tiêm chủng
Tính đến ngày 26/4, Nhật Bản ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt mức 10.000 người. Chỉ trong 3 tháng qua, con số này đã tăng gấp đôi.
Từ tháng 2 đến tháng 7/2020, số người tử vong ở mức hơn 1.000 người, và số người tử vong tăng nhanh tính từ tháng 11/2020 trở đi khi bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 3 tại Nhật Bản. Bước sang năm nay, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 100 người tử vong khiến cho số ca tử vong tăng gấp đôi so với cả năm ngoái mặc dù mới trải qua 3 tháng.
Bên cạnh số ca nhiễm mới tăng nhanh, số ca nhiễm virus biến chủng mới từ Anh, Nam Phi, đặc biệt từ Ấn Độ cũng đang tăng nhanh chóng. Trước tình hình này, bắt đầu từ ngày 25/4-11/5, Tokyo, Osaka và một số tỉnh khác đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Theo đó, chính phủ Nhật Bản mong muốn doanh nghiệp giảm số người đi làm bằng cách làm việc tại nhà. Các công ty đường giảm chuyến trong thời gian tình trạng khẩn cấp. Người dân hạn chế đi lại tới các tỉnh khác, tham gia vào các hoạt động tụ tập đông người. Tuy nhiên, mặc dù đang trong tình trạng khẩn cấp, trên các tuyến phố của thủ đô Tokyo vẫn đông người, các quán cà phê vẫn sáng đèn.
Công tác tiêm chủng vẫn đang được xúc tiến khẩn trương. Tính đến cuối tuần trước, khoảng 37% nhân viên y tế trong 4,8 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi.
Trong khi đó, tiêm chủng cho khoảng 36 triệu người cao tuổi đã được bắt đầu trong đầu tháng này và phấn đấu đến tháng 7 sẽ tiêm xong toàn bộ. Từ tuần sau, vaccine sẽ được phân phối đều cho các tỉnh, thành trong cả nước.
Để thúc đẩy việc tiêm chủng, chính phủ Nhật Bản sẽ thiết lập Trung tâm tiêm chủng quy mô lớn lớn tại Tokyo, Osaka và một số tỉnh thành có khả năng tiếp nhận khoảng 10.000 người tiêm trong một ngày. Các bác sĩ quân y, y tá, hộ lý trực thuộc Bộ phòng vệ sẽ tham gia vào hoạt động tiêm chủng này.
Số ca nhiễm mới trên toàn Nhật Bản vẫn tăng. Tính đến 16h chiều 27/4, Tokyo ghi nhận 826 ca nhiễm mới, và đây là con số cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Theo các chuyên gia, trong tháng 5 số ca nhiễm tại Tokyo, đặc biệt là ở Osaka sẽ tăng cao./.