Đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh làm việc với chính quyền thành phố Pochoen, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc)
Chương trình hợp tác đưa lao động sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực sản xuất nông ngiệp tại Hàn Quốc theo diện visa C4 (sang làm việc 90 ngày rồi về và lại sang tiếp, không hạn chế lần đi) đã được Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất. Năm 2019 là năm đầu tiên Hà Tĩnh tiến hành đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác với thành phố Pochoen.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc và Thị trưởng thành phố Pochoen trao đổi biên bản hợp tác lao động thời vụ
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nguyễn Trí Lạc cho biết, trong thời gian tới, thành phố Pocheon và nhiều địa phương khác của Hàn Quốc sẽ tiếp nhận hàng trăm lao động của tỉnh Hà Tĩnh đi làm việc thời vụ trong ngành sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, yều cầu, điều kiện tuyển dụng của lao động thời vụ làm việc tại Hàn Quốc không khắt khe như các chương trình khác. Lao động đủ điều kiện tuyển dụng ở độ tuổi từ 30 đến 55, thường trú hoặc tạm trú từ 12 tháng trở lên tại Hà Tĩnh sang làm nông nghiệp thời vụ như: Trồng các loại ngũ cốc, rau quả, sâm nấm, ươm mầm cây. Với thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần; lao động được nhận tiền lương cơ bản thấp nhất 36 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm giờ sẽ được nhận 150% mức tiền lương cơ bản.
Tổng chi phí cho lao động đi làm việc thời vụ tại thành phố Pochoen từ 12-15 triệu đồng bao gồm: Học phí đào tạo tiếng Hàn cơ bản, vé máy bay lượt đi, phí khám sức khỏe, hộ chiếu và visa. |
Lao động sang thành phố Pochoen làm việc theo chương trình này sẽ được ăn, ở và cung cấp miễn phí đồ bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, lao động còn được chủ sử dụng phía Hàn Quốc chi trả 1 lượt vé máy bay đi hoặc về Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng. Nếu trường hợp lao động bị ốm, cơ quan bảo hiểm Hàn Quốc chịu trách nhiệm trả chi phí khám, chữa bệnh trong thời gian làm việc tại Pochoen.
Theo ông Nguyễn Trí Lạc, Hàn Quốc được đánh giá là thị trường lao động hấp dẫn và thu nhập cao nhất hiện nay. Mức thu nhập bình quân của người lao động tham gia các chương trình lao động tại Hàn Quốc như EPS, thuyền viên gần bờ sau khi đã trừ đi các khoản chi phí đạt từ 25-30 triệu đồng/tháng, nhiều lao động làm việc theo Chương trình VISA E7, lao động EPS ngành cơ khí đạt mức thu nhập 50-60 triệu đồng/tháng.
Lao động Hà Tĩnh đăng ký dự thi tiếng Hàn theo chương trình EPS
Hiện Hàn Quốc đang rất cần lao động kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt trong ngành nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về việc sử dụng lao động nước ngoài, do người Hàn Quốc đi làm việc tại thành phố có thu nhập cao hơn.
Mặc dù thỏa thuận hợp tác về kinh tế, văn hóa, lao động, nông nghiệp giữa TP Pochoen và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã được ký kết. Tuy nhiên, để tiếp cận được cơ hội này, lao động Hà Tĩnh tham gia chương trình phải tuân thủ những quy định của Hàn Quốc, đặc biệt là không được bỏ trốn hoặc tìm cách ở lại khi đã hết hạn hợp đồng.
Lao động Hà Tĩnh học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh
“Phía bạn đưa ra điều kiện về tỷ lệ lao động bất hợp pháp không được vượt quá 10%, đây là thách thức đối với việc triển khai thực hiện chương trình này. Càng khó khăn hơn khi mà giải pháp tối ưu của Việt Nam nhằm khống chế tình trạng này là yêu cầu người lao động ký quỹ đi lao động thời vụ, thì luật pháp Hàn Quốc không khuyến khích” - ông Nguyễn Trí Lạc cho biết.
Hiện, Hà Tĩnh đang tiếp tục đàm phán với phía bạn về một số chi tiết liên quan đến chống bỏ trốn, bảo hộ cho lao động theo quy định pháp luật của Hàn Quốc và Việt Nam. Trong thời gian này, nếu các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nào thực hiện tuyển dụng, đào tạo lao động theo chương trình giữa thành phố Pochoen và UBND tỉnh Hà Tĩnh là trái quy định.